Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Mảnh vụn ký ức 4: Về lại chốn cũ

 Cả nhà về lại Quy Nhơn năm 1965
Không còn xe lửa vì hệ thống đường sắt đã bị tê liệt , cả nhà đi máy bay. Lần đầu tiên được đi máy bay háo hức lắm. Đầu tiên là xe của Air Vietnam chở ra phi trường Phú Bài cách thành phố 15km về phía nam. Máy bay cánh quạt nhỏ, có tiếp viên là 1 anh chàng đẹp trai sáng sủa đưa khay đầy kẹo mời, tớ thấy kẹo ham lắm nhưng nhát quá chỉ dám nhón lấy 1 viên! sau đó thấy có người bốc cả nắm mới tiếc! (nhưng trễ rồi!) không dám xin thêm.
Máy bay ghé phi trường Đà Nẵng, ở đây thấy tấp nập nhộn nhịp máy bay đủ loại, vừa dân sự vừa quân sự, cứ nghe tiếng gầm rít ghê rợn! mấy người lớn nói đó là những Phản lực cơ chiến đấu của không quân Mỹ mới đem qua, họ còn nói chỉ có Đà Nẵng và Tân sơn Nhất mới có đường băng cho loại này nên gọi là Phi cảng chứ như Quy Nhơn và Phú Bài thì chỉ gọi là phi trường thôi! Mấy chiếc máy bay này cứ lên xuống liên tục làm tớ muốn điếc lỗ tai luôn! (1965 rồi, quân đội Mỹ ở ĐN rất nhiều, chiến tranh bắt đầu leo thang)

Tới Quy Nhơn. Chưa thuê được nhà, nên cả nhà ở tạm nhà dì Ba, ba thì ở Nha Trang.
Nhà dì Ba có 5 anh chị, anh Sơn giờ  học lớp đệ Nhị, đã cao lớn nhiều so với hồi anh ra Bồng Sơn thi đệ Thất (11 tuổi), mấy anh chị này nhìn tụi tớ chắc thấy lạ lắm! một đám con nít 5 đứa lau nhau lắc chắc! Hai nhà cọng lại là 10 đứa, thêm 2 anh bà con nữa là tất cả 12 mạng! Bà ngoại cho con nít ăn riêng, người lớn ăn mâm khác.
 Tớ còn nhớ tới bữa ăn mấy anh chị nói chuyện rôm rả vui lắm, nhiều khi cãi nhau chí choé, chị Thuỳ mau chóng hoà nhập, còn tớ chỉ biết nghe thôi, không dám nói gì. Tớ để ý thấy bây giờ bà ngoại đi chợ về không còn phát kẹo ú nữa! không biết chương trình này chấm dứt hồi nào? Ông ngoại nằm liệt giường không nhúc nhích gì được nhưng vẫn biết em Quảng là đứa cháu ông chưa thấy măt!
Quy Nhơn lúc đó (1965) không còn êm đềm như trong trí tớ còn nhớ, mới 3 năm qua mà thành phố thay đổi nhiều, ồn ào, xô bồ và đường phố quanh nhà đầy những snack Bar, lính Mỹ đi đầy đường. Biển ít thấy ai ra chơi, dọc theo bờ biển là những khu quân sự chăng đầy thép gai, người dân cũng có vẻ tất bật. Tớ đâm ra nhớ khung cảnh ngoài QT và Huế, những cây xanh bóng mát mà ở đây rất hiếm., nhà cửa đã mọc lên san sát, mấy quán bar sợ phá hoại, rào kín mít bằng lưới như cái lồng chim xấu xí.
 Tớ còn nghe về vụ nổ sập lầu Việt Cường trước đó, rồi những vụ ném lựu đạn vô những nơi có lính Mỹ lui tới, rạp xine cũng bị đặt bom! thanh bình hầu như biến mất rồi! còn có danh từ rất lạ: nhím, từ này không hiểu do đâu, để chỉ những cô gái bán bar..còn nhiều thứ lạ nữa...

Rồi tớ đi học thêm ngay sau nhà để chuẩn bị vô lớp Nhất trường Ấu Triệu, không phải học lại trường Mai Xuân Thưởng là tớ mừng rồi! (cũng còn nhớ bạn cũ tên Thuyên nhưng sao không thấy..)
Chưa đi học nên cũng khá rảnh, tớ với chị Nô hay ra mấy cây cảnh bên hông nhà tìm hái những trái nhỏ nhỏ (của 1 loại cây kiểng) màu đen ăn, nhưng ít lắm, thích nhất là có cây thuộc bài, nghe tụi nó nói lấy lá này ép vô vở thì sẽ thuộc bài!!
 Nhà thấy có mua tờ báo Thằng Bờm hay Hồn Trẻ gì đó, cả đám thay nhau đọc, tớ với anh Nhơn thường nằm lăn ra sàn đọc truyện tranh, ông này kiếm đâu ra cả đống, có truyện cũng hay nhưng thường thì rất nhảm nhí, chỉ xem cho vui thôi. Có lần 2 đứa đang xem như thế thì anh Sơn tới, lấy 1 cuốn lên lật lật rồi la lên: A!, tụi bay toàn coi truyện "hậu môn chưởng!!" Bao nhiêu cuốn không lấy, lại vớ ngay cái cuốn trong đó có thằng nhãi ranh mua thuốc cho ông thầy uống, thuốc gì mà uống vô là "thả bom" quá xá!!  tớ quê quá, nói rằng đâu phải truyện nào cũng vậy, nhưng từ đó, hễ thấy tụi tớ đọc cái gì thì anh Sơn cũng la lên: "tụi nó coi hậu môn chưởng!!" quê ghê!

 Dọn tới nhà mới cách nhà dì không xa, bắt đầu đi học, trường này gần nên đi bộ với nhỏ Thanh Hồng kế bên, nhỏ này cũng học lớp Nhất nhưng khác lớp, lớp Nhất A còn tớ Nhất B, học ngày 2 buổi, nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật.
Mộng  Thuý
 Lớp toàn con gái và dễ thương hơn cái tụi ngoài Huế, tớ ngồi gần 1 nhỏ da ngăm ngăm như Ấn Độ tên là Mộng Thuý, đầu bàn là Bích Liên đội trưởng, rất dễ thương, trưởng lớp là Đường Sở Phân học giỏi viết chữ đẹp, nhưng người viết sổ luân hoán là Dương Xương Tích cũng người Tàu, bạn này viết chữ khỏi chê! ngoài ra tớ còn nhớ có Khánh Hà, Thuý Hà, Chiên, Phan thị Thanh, Kim Thoa, Bê...
 Lúc đầu cô giáo là cô Kim Anh người nhỏ nhắn xinh xắn, còn trẻ, tớ rất thích, cô hay đi ngang nhà tớ, còn cô giáo lớp Nhất A là cô Bích vợ ông nha sĩ Đào, lớp này tớ còn nhớ có con gái cô là Liên Hương, Ái Ngâu, Quỳnh Hoa,Thuận (Gia Phước) Thoại, Việt Lan..Trưởng lớp là 1 con nhỏ da hơi ngăm tên Lê Thanh Hương, tay nó hay cầm cái lông công thấy thèm!
 Còn lớp Nhất C nữa nhưng tớ chỉ nhớ 1 bạn lớp này là Vinh Thanh Thanh, rất đẹp.
Sau đó không lâu, có 3 cô giáo mới ra trường (SPQN) trường cho phụ trách 3 lớp Nhất này: Cô Bôi lớp Nhất A, Cô Hồng lớp Nhất B của tớ .Mấy cô này còn trẻ, mới ra trường nên vui vẻ lắm, cô Hồng hơi nghiêm, mắt hơi lồi, ốm, gốc bắc, tớ cũng thích.
 Khoảng nửa niên khoá, có con nhỏ tên Kim Cương ở đâu đổi về ngồi kế bên tớ, từ đó thân nhau ghê lắm, hay rủ nhau mặc quần áo giông giống (chả hạn cùng màu, hồi đó không mặc đồng phục), nhỏ này có nhiều trò hay hay, nó lấy giấy vẻ con ma có cái lưỡi thật dài tô màu đỏ, xong cắt cái lưỡi này ra (vẫn còn dính trên miệng) rồi lấy 1 miếng bìa khác có cái mặt con ma, tròng ra ngoài, xong ta cầm cái miếng có cái lưỡi đưa lên đưa xuống sẽ tháy như con ma le lưỡi nhát! tớ làm cả mớ cái này cho bạn bè chơi! Nhỏ này còn đem tới 1 con giống như con rùa nhỏ, dễ thương lắm, còn không biết bạn nào bày làm con sâu rọm, y như thật nha! lấy cây cỏ mọc hoang, quấn cái đầu có lông nhám quanh 1 cái thân, thế là được 1 con sâu, thình lình đem dí vô mặt là đứa nào cũng hét lên!! haha...Tớ rất khoái con sâu này, nó đánh tan cái nỗi sợ con sâu đo ngày nào!
 Nhưng rồi chưa hết niên khoá mà bạn Kim Cương lại đổi đi (chắc ba bạn này là quân nhân!). tớ buồn lắm nhưng không hiểu sao lúc đó chả có liên lạc gì, đến bấy giờ cũng không biết bạn ấy từ đâu tới, đi về đâu, chỉ nhớ hình như bạn ở trong nam hay Saigon(?)
 Trường Ấu Triệu ngày ấy phía sau hay bên hông gì đó có 1 cái sân cát, và ngay đó là bức tường có 1 cái gờ nhô ra khoảng 1 tấc, đây là chỗ học trò rất thích và cứ tới giờ ra chơi là leo lên cái gờ này, cố hất nhau xuống, đứa nào còn lại cuối cùng thì thắng! Tớ thường còn lại sau chứ ít khi rớt xuống trước! (Sau này học ở trường Nữ cũng có trò tương tự: qua bãi biễn có cái ống dẫn dầu, cũng leo lên đó hất nhau xuống!)
 Lại có dạo tụi nó bày chơi như con trai: 1 đứa khom lưng, lần lượt mấy đứa khác chống tay lên lưng này mà nhảy qua! trò này ai lùn thì..lỗ!! (chơi nhảy ngựa)
 Chuyện học bình thường chả có gì lạ, tớ thích bài dạy vẽ phối cảnh của cô, nó mới mẻ lắm, lấy bút chì đen tô, thấy hay lắm! lại còn được dạy cách đạp máy may nữa: ở văn phòng có 1 cái máy may (chắc hàng viện trợ), cô cho từng đội xuống xem cô dạy cách sử dụng, tớ cũng được ngồi lên đạp vài đường lả lướt, thích quá, từ đó ao ước nhà có máy may..Lại có môn Dưỡng nhi thì phải, có lần cô Hồng đem vô lớp 1 con búp bê, đặt nằm trên bàn giáo viên, cô hỏi có em nào biết cách bế em bé! có mấy bạn dơ tay lên, bạn nào cũng xách em lên cái một, cô lắc đầu, cuối cùng bạn Nguyễn thị Bê lên, bạn này nhẹ nhàng để 1 tay dưới cổ, rồi mới nâng lên, cô khen Bê làm đúng! cô giải thích phải đỡ cổ em bé vì cái cổ còn yếu lắm! Điều này mình nhớ tới bây giờ luôn đó!
  Rồi có chuyện thực tập của giáo sinh sư phạm : cứ mỗi tuần lại thấy có 2 người dạy thực tập mỗi lớp. Mấy người này vì là dạy để chấm điểm nên làm bài bản lắm, tớ còn nhớ có 2 anh dạy bài Bình thông nhau họ làm dụng cụ để minh hoạ rất hay, mấy cái ống nhựa trong làm thấy rõ mực nước nhuộm màu xanh đậm, nói chung là chuẩn bị bài giảng rất công phu chứ không học chay trên sách giáo khoa! lúc dạy thì cô giáo của lớp ngồi bên dưới quan sát và 1 số người nữa! Lúc đầu tớ thấy chả sao nhưng sau đó rất ghét những giờ thực tập này! tớ chỉ thích học cô giáo của mình thôi! vì mấy giáo sinh này đến rồi đi, cho điểm lung tung và ..tớ không biết nữa nhưng nhớ là rất ghét, cứ mong cho qua lẹ để cô và lớp như cũ thôi, không muốn ai chen vào. Tớ ghét đến nổi ghét luôn cả cái trường Sư Phạm QN luôn!  (oái ăm thiệt!) thề không bao giờ nhìn tới  cái trường (đã bày ra cái chuyện thực tập này!)....

 Có lần, trường thông báo học trò tập trung tại trường rồi cô dẫn ra sân vận động đón Đồng minh Đại Hàn. Tớ cũng tò mò lắm, để coi cho biết Đại Hàn ra sao chứ tụi Mẽo thì thấy đầy đường: Mỹ trắng thì tớ nghĩ có lẽ là Mỹ đỏ thì đúng hơn, da người nào cũng đỏ hồng chứ trắng gì! nhất là trời nắng, anh nào anh nấy đỏ au như tôm luộc! còn Mỹ đen, có người đen ít có người sao mà đen bóng như cục than, lại mắt bự, trắng dã thấy ớn, môi thì dày răng trắng ởn! tớ cứ nghĩ thầm sao giống khỉ đột quá, chắc là mới tiến hoá từ khỉ sang!
Ngày đó học sinh nhiều trường được huy động đi đón lắm, đứng đầy sân vận động (chắc có nhiều đoàn thể như mọi khi ) sau thời gian cao su, đứng mỏi cẳng chán chê rồi thì mấy bạn cũng xuất hiện! Trời ạ! tưởng gì lạ, mấy cái bản mặt sao cũng y chang Việt Nam mình, cũng da vàng mũi tẹt, nhưng nhìn kỹ có mòi xấu hơn là khác: mắt ti hí, mặt thô thô, và họ hát tưng bừng! vậy mà tưởng gì lạ!
Sau đó mấy bạn Đại Hàn đồng minh thân thiết này cũng hay đi dạo tà tà ngắm cảnh phố phường đầy nắng bui và sờ nách ba! tay bạn nào cũng cầm nguyên nải chuối (chắc nhà mấy bạn không có chuối!) còn nếu đi đông trên xe thì hát đồng ca rộn ràng phố phường!! Nhưng ai cũng công nhận mấy bạn này dễ thương có kỷ luật hơn mấy bạn Mẽo!

 Đời sống đã khó khăn hơn, tiền mất giá và những người ăn theo Mỹ như làm sở Mỹ hay buôn bán hàng PX (Post Exchange) mới khấm khá, còn ai ăn lương nhà nước coi như chết dở! Mẹ tớ cũng bắt đầu kinh doanh buôn bán, không còn làm nội trợ nữa, lúc đó dì và mẹ sửa sang nhà cho thuê (nhiều người cũng vậy). Lúc này ngoài Mỹ ra còn có nhiều người Phi luật Tân, Thái lan Đại Hàn làm cho mấy hãng thầu Mỹ nên nhu cầu thuê nhà rất nhiều!
 Tớ thích nhà mình mở tiệm sách nhưng không có tiệm sách mà ba sang lại 1 tiệm cho thuê truyện để mấy mẹ con làm, lúc đầu cũng khoái, chị Thuỳ xem hết truyện chưởng  luôn! riêng tớ không xem truyện chưởng vì thấy nó nhiều quá, một bộ tới mười mấy cuốn, tớ coi thần thoại, tiểu thuyêt diễm tình...nghĩa là mọi thứ trừ truyện chưởng ra! Mấy cuốn chưởng nhiều người mướn nên cũ kĩ, dơ bẩn rách nát, nhiều cuốn bị mất nữa, ba phải mua bổ sung hoài vì nếu thiếu không đủ bộ thì người xem tức tối!
Nhưng rồi phiền quá, khách hàng có thể tới trả sách bất cứ lúc nào, trưa, tối..nên tớ cảm thấy mất tự do quá, đâu có đi chơi được, lúc nào cũng phải có người coi tiệm, tớ thấy ghét cái tiệm này quá đi, may sao anh Sơn hồi đó hay ghé nhà thấy tụi tớ hay chúi đầu vô truyện nên nói với mẹ nên dẹp cái tiệm này đi chứ tụi nó mê đọc bỏ bê học hành đó! mẹ còn tiếc vì dù sao công việc cũng nhẹ nhàng, lại không sợ lỗ, nhưng ba cũng bắt đầu chán rồi nên quyết định dẹp, có người sang lại liền! Khỏi nói tớ mừng hết lớn! (bây giờ nghĩ lại sao mình vô tư thế, nhiều đứa con nít nhỏ hơn đã biết mong cho mua may bán đắt còn mình, 10 tuổi rồi mà chỉ biết sướng riêng bản thân!)
  Mấy anh Đại Hàn đi ngang hay ghé vào (vì thấy có sách) nói chuyện cũng dễ thương, có người thường cầm theo sổ tay, viết học tiếng Việt, tớ còn nhớ có 2 người hay ghé, họ nói là sinh viên bị đi quân dịch, 1 người đang học anh văn, người kia học gì đó..họ nói tớ bày tiếng Việt, bày hát quốc ca VN, có lần tớ đang xem 1 cái hình vẽ rất đẹp trong 1 cuốn sách bằng tiếng Anh của ba, xem hình để vẽ theo chứ có biết chữ nào! nhưng cái bạn ĐH đi ngang ghé vào cầm lên coi, xong mặt mày hớn hở vô cùng, hắn xổ 1 tràng tiếng Anh, tớ ngẩn tò te, lắc đầu không hiểu, hắn chỉ vào cuốn sách ý nói tớ làm bộ, đọc sách thế kia mà sao không muốn nói chuyện, tớ quê quá (lúc đó ước gì mình đọc được nhỉ!) chỉ vô hình vẽ, quơ tay giải thích 1 hồi hắn mới thôi (nhưng có vẻ không tin!)
Tớ thích mấy hình ảnh con búp bê Đại Hàn, cái áo truyền thống cũng là lạ, vải họ thường có màu như cầu vồng, sặc sỡ, đặc biệt đôi giày cao su ngồ ngộ, có mũi giày ít, nếu không mang vớ thì sẽ lòi mấy kẻ ngón chân, dạo đó lính Đại hàn hay ra chợ QN mua máy móc hàng trong PS Mỹ tuồn ra, họ được đem về nước (lúc đó Hàn Quốc cũng nghèo như VN chứ có đâu như bây giờ) tớ nhớ lúc đó có nhiều cái đáng phục lắm như khi ba tớ mời thuốc lá, họ không hút nói rằng chỉ hút thuốc nội, hạn chế xài hàng ngoại! người nào trông cũng có vẻ mạnh khoẻ, kỹ luật.
Sau đó họ có tới từ giã cả nhà tớ, nói rằng Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn sắp chuyển vào Phú Yên. Cũng buồn buồn, từ đó ít thấy bóng dáng mấy anh xứ kim chi ở QN, nhưng còn để lại nhiều món đồ hộp đặc sản Đại Hàn như Kim chi, cá kho.. đặc biệt tớ thích món cá cơm kho với rong biển rất giống món cá kho ở Huế, cũng cay như thế!
  Sau khi sang lại tiệm cho thuê truyện, ba hùn với 1 người bạn tính mở tiệm chụp hình (hình như ba thích món gì thì làm món đó chứ chả biết kinh doanh). làm phòng tối, đi đặt kẻ bảng hiệu rồi: Thiện Mỹ Photo. Ai dè, bảng hiệu chưa treo lên thì cách đó mấy nhà, ngay góc đường Lê Lợi và Phan Bội Châu người ta đã lên 1 cái bảng hiệu Photo !! thế là ba dẹp cái ý định mở tiệm chụp hình vì nhắm cạnh tranh không lại.
Sau đó mẹ làm đại lý bia La de con cọp và nước ngọt...Ba không kinh doanh gì nữa, ngày 2 buổi vô toà tỉnh làm cuộc đời công chức...

 Gần cuối niên khoá, mấy bạn rủ nhau đi học luyện thi đệ thất, tớ đi theo ĐSP học lò Hai Ngô dưới biển, khu 2, học ở đây, thầy lúc nào cũng cầm roi, khiếp lắm nhưng thực ra chị đánh tụi con trai thôi, ở đây tớ có thêm rất nhiều bạn vì cùng đường ghé rủ nhau đi học rất vui, Hoài Xuân, Yến, Thuận, Việt Hoa, Lã thị Hằng, Hương, Quỳnh Hoa...sau đó thân nhất với Thanh Hương, nhỏ này là trưởng lớp Nhất A, viết chữ rất đẹp, đẹp kiểu cổ điển.

Có lần mấy cô giáo lớp Nhất đem vô nhiều lá thư từ 1 trường tiểu học bên Mỹ, hỏi em nào thích làm quen thì viết thư trả lời, rồi cô phát cho mỗi đứa 1 cái thư, thư không có bì thư chỉ là 1 tờ giấy lớn, tụi nó viết bằng bút chì, chữ nào chứ nấy to tổ bố và xấu! mỗi thư có kèm theo 1 tác phẩm hình tụi nó tự vẽ, xấu quắc!(Đó là những thư do cô W. người Mỹ dạy Anh văn trong trường Sư Phạm Qn đưa cho mấy cô là học trò cũ để làm quen với 1 trường tiểu học bên Mỹ) Có hình chụp cả lớp và cô giáo bên đó, trắng đen trai gái đủ cả!
Tớ cũng lấy 1 thơ, cô dịch sẵn bên dưới, đại khái giới thiệu..v.v..
Mỗi đứa về viết thư trả lời xong nộp cho cô, cô dịch xong đưa cho cô W. gởi đi (cô này hình như tên William thuộc đoàn Thanh niên chí nguyện như ông Rocky sau này, vô lớp đệ Thất tớ có học cô này).
Sau đó cả bọn mới ngồi bàn tán, không biết cái đứa viết cho mình nó là con trai hay con gái, đen hay trắng!? lúc này mới e dè! ai cũng không thích làm quen với con trai hay Mỹ đen!( kỳ thị ghê!). Rồi đứa nào cũng hồi hộp vì cô nói thư sau sẽ có hình tụi nó!
 Có thư có hình rồi! mấy đứa gặp trúng con trai hay Mỹ đen rầu lắm, còn tớ ấy à! bạn tớ là 1 con nhỏ tóc vàng nhé! hết ý luôn! nó tên Valeria Harmon sinh năm 1956, nhỏ hơn tớ 1 tuổi.tớ vui vô cùng, về viết thư trả lời liền!
Bây giờ nhớ lại mắc cười, tụi Mẽo con này theo lối giáo dục của nó, tiểu học còn viết bằng viết chì nên không bị lem luốc tay chân nhưng chữ rất xấu (là theo con mắt tớ hồi đó!) vẽ hình cũng xí nữa, tụi nó vẽ  nghệch ngạc những thứ trước mắt thấy được như cha mẹ, chó mèo trong nhà nó..còn tụi VN bọn tớ thì sao!? tụi tớ đứa nào cũng ráng tìm những cái hình đẹp trong sách để đồ hoặc vẽ theo cho đẹp, cho tụi nó lác mắt! (bây giờ mới thấy rởm ghê!)
 Rồi cô nói sắp nghỉ hè, mấy em cho bạn địa chỉ nhà mình rồi tự liên lạc, cô sẽ không nhận thư chuyển như thế nữa, tớ cũng viết như vậy và khá lâu sau, khi đã vô học đệ Thất rồi mới nhận được thư bạn này gởi tới nhà (chắc là cô W gởi theo hệ thống bưu điện quân đội Mỹ nên mau hơn) Khỏi nói, tớ vui quá, mở ra thấy có 1 tấm hình hơi lớn đã bị bạn này bẻ gập cho vừa với bì thư! (sao mà nó ngốc quá, không biết xén bớt!) tuy nhiên cái hình rất xinh có ghi phía sau This is me when I was two.với mái tóc vàng cột túm đuôi chuột, tớ và Ngâu (lúc này ngồi kế nhau trong lớp cứ để trong hộc bàn mà ngắm!) còn cái thư, Ngâu nhờ một anh học SP gần nhà dịch dùm.(Sao hồi đó mình không dám chia sẻ với người lớn nhỉ? có thể nhờ ba hay chị Thuỳ hay thầy cô!?) Rồi tới việc trả lời mới gay, tớ với  Ngâu cùng viết  rồi nhờ cái anh đó dịch giùm (không biết dịch ra sao!) tới hồi ghi địa chỉ để gởi đi, cái con số bị dấu BĐ đè 1 con, tớ soi lên soi xuống, đoán đại rồi ghi lên bì thư, xong ra BĐ gởi! từ lúc đó 2 đứa ngóng chờ hồi âm! trong thư tớ có bỏ vô tặng bạn 1 cái lông công.
Chờ mãi không có hồi âm (mà cũng ngu không chịu tới nhà cô Hồng hỏi lại địa chỉ hay sau này có học với cô W mà cũng không biết nói! cái tính rụt rè của phần đông con nít mình là vậy, trúng bây giờ, con nít khôn hơn nhiều, nó hỏi tới nơi, không thì cũng nói cha mẹ hỏi!
 Thôi coi như ..vĩnh biệt! Sau 75, có nhiều người đi Mỹ, tớ cũng có ý nghĩ biết đâu tình cờ...(tớ còn nhớ địa chỉ ở Cali, chắc lúc gởi tớ ghi thiếu cái code!?) Tớ vẫn còn giữ cái hình lớn cho tới khi có người bạn có bầu tớ cho nó để nó ngắm sinh con cho đẹp. chỉ còn giữ cái hình nhỏ lúc nó 10 tuổi

 Có lần, trường làm một tiết mục văn nghệ (hình như để thi với mấy trương khác?), mấy cô chọn từ  3 lớp nhất ra một số bạn để tập múa, tớ chỉ còn nhớ chia làm 2 tốp, một nửa mặc đồ lính, một nữa làm em gái hậu phương tặng hoa cho mấy anh chiến sĩ!  Tớ không còn nhớ rõ những bạn múa, chỉ còn nhớ Vinh Thanh Thanh làm Chiến sĩ còn tớ thì làm em gái hậu phương, mặc áo đầm, tớ ấm ức lắm vì thích làm chiến sĩ được mặc đồ lính oai hơn! Chuyện tập múa này kéo dài khá lâu và tớ thấy chán lắm, chỉ thích được về lớp học với các bạn thôi!
 Rồi cuối cùng cũng tới ngày trình diễn, hình như ở rạp Kim Khánh thì phải, cái tiết mục tập tành khổ sở của bọn tớ không thành công lắm vì mấy em gái hậu phương không quen sân khấu lớn nên đi loạng choạng, trật nhịp hết! nhìn mặt mấy cô thì đủ biết! không được vui, nhưng mà cũng không bị la gì!!
 Cuối năm, đứa nào cũng đi chụp hình 4x6 để làm hồ sơ thi vào đệ Thất.

Lúc này mới có hình riêng rồi viết lưu bút, toàn là những lời sáo ơi là sáo..Riêng bạn Mộng Thuý của tớ thì tặng tớ 2 tấm hình rồi từ giã đi theo gia đình vô nam. Tớ không nhớ là cả lớp có nộp hình cho Đường Sở Phân làm 1 tấm hình chung cả lớp vì không thấy đâu, nhưng mấy năm trước Nguyễn Nga có nói trước khi đi vượt biên, ĐsP có gởi hình cho Ng trong đó có hình lớp trường Ấu Triệu, mình hỏi còn không, nó nói đã trả lại cho chị rồi! hỏi chị chị nói Nga giữ! (coi như huề!)
 Thi đệ Thất xong, coi như rảnh rang, tớ hay chạy đến nhà Thuận Gia Phước chơi, nhà nó có nhiều anh em và đều đi Gia đình Phật tử nên hay hát hò vui vẻ. Sau đó, vào Đệ Thất phần nhiều mấy bạn quen tớ đều học lớp Thất 3 và nhiều bạn cũng không đậu nên từ đó cũng hết thân. Chỉ có Ái Ngâu là theo mãi từ đó đến giờ!!
---------------------------------------------------------

bà ngoại
Hồi đó mẹ tớ lo buôn bán nhưng có bà ngoại ở gần cũng sướng lắm, bà là người Huế nhưng lấy chồng Quảng Nam và đi theo chồng xa quê không sống ở Huế, bà hay làm mấy món Quảng nam như xôi đậu đen, bánh thuẩn cho con cháu ăn, tớ thấy hầu như bà làm việc suốt ngày, ít nghỉ, và rất ghiền trầu, răng bà không còn không phải vì rụng tuổi già mà theo bà nói là bị hư hồi bà xông cái thuốc trị đau mũi gì đó, mất răng từ sớm nhưng không thấy bị móm và bà không chịu làm răng giả, cứ nhai bằng nướu!
Khi có đoàn cải lương nào tới QN là tụi cháu chia nhau mỗi đứa đi với bà một hôm (vì có vé mời nên tuồng nào cũng đi được, cả tuần luôn). Tớ đi xem cũng say mê mấy câu vọng cổ mùi mẫn, nhiều tuồng lắm nhưng nhớ nhất cái vở tên Thuyền ra cửa biển..có lẽ cứ nghe radio trực tiếp truyền thanh, ai không đi xem thì ở nhà nghe radio cũng đỡ ghiền, khỏi tốn tiền!
 Được vài lần như thế cho đến một lần kia, tớ ngồi chỗ xeo xéo sân khấu nên thấy được 1 bên cánh gà, cái tai hại là đây: tớ thấy rõ ràng cái anh kép mới vừa khóc lóc đau khổ lắm thì lúc anh ta lủi thủi chạy vô cánh gà, mặt mày khác liền, anh ta cười cợt với mấy người ở đó! chỉ vậy thôi mà tớ như ngộ ra! ôi, đúng là giả tạo.. tự nhiên tớ mất hết cảm tình, không thích cải lương nữa!! Nhất là đã bắt đầu ghiền xi nê. Hồi đó rạp hay chiếu phim HK, tài tử rất đẹp, tớ còn nhớ phim Đắc Kỷ có cô Lâm Đại đóng đẹp ơi là đẹp! (bây giờ ít ai biết cô này, đã tự tử lâu rồi, kiếm cái hình không ra!) Lăng Ba và Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài..Lý Lệ Hoa..sao mà người nào cũng đẹp!
Hayley Mills
 Nhưng đặc biệt là tớ được xem những phim của hãng Walt Disney, (phim hoạt hình thì tớ không thấy chiếu ở rạp) những phim rất tuyệt quay theo những truyện của Jules Verne, mê những phim này và mê luôn diễn viên Hayley Mills luôn! Cô bé này chuyên đóng các vai thiếu nữ nhỏ trong những bộ phim đó, bây giờ thì thấy hình không đẹp nhưng sao hồi đó tớ mê quá! Nhỏ Thanh Hà Hồng Nam cũng vậy, vô lớp cứ nghe nó nhắc hoài, tớ vẫn còn nhớ phim Parent Trap, trong đó Hayley Mills đóng cùng lúc 2 vai là 2 chị em sinh đôi ở cách xa nhau, do tình cờ mà nhận ra nhau và muốn cha mẹ tái hợp. Hồi đó tớ cứ thắc mắc không biết làm sao người ta có thể làm được như vậy (1 người đóng 2 vai gặp nhau, đánh nhau nữa, cùng lúc! phim quay năm 1961 đâu có kỹ xảo nhiều như bây giờ)
Hayley Mills trong 2 vai sinh đôi (Parent Trap)
 Nhớ cứ mỗi lần xem phim, ba hay nói: cái lương làm gì có những cảnh đẹp như vậy!

Sau đó rạp Kim Khánh dời về rạp Tân châu cũ, nhỏ, chuyên chiếu phim HK, còn rạp lớn được người chủ khác thầu lại đổi tên là Trưng Vương, rạp này chuyên chiếu những phim hot của Tây.
Sau nữa có thêm rạp Lê Lợi gần nhà tớ nữa mới khoái chứ!
Để cạnh tranh mấy rạp này chiếu thường trực chứ không chiếu theo xuất nữa, ai muốn vô coi giờ nào cũng được, muốn coi cả ngày cũng không sao! nhờ vậy tớ thường đi xem lúc ăn cơm trưa xong, người lớn ngủ trưa, lúc về thì xong, chả ai biết cả!
 Chủ rạp Kim Khánh là ông Diệp Năng Đức ở cách nhà tớ 1 căn, ông này người gốc Hải Nam cao to da trắng hồng rất tốt tướng, con ông lúc nhỏ học ở QN nhưng lớn 1 chút là vào Saigon học hết. Ông rất tử tế, đám giỗ thường mời hàng xóm dự, con gái ông, chị Thơm (trắng bóc) mỗi khi về nghỉ hè đều ra rạp ngồi bán vé, mỗi khi thấy tớ đi ngang chị đều kêu vô xem phim! nhưng thường rạp hiếu phim Tàu nên tớ cũng ..chạy luôn.
 Không biết có năm nào, thiên hạ đang bàn luận sôi nổi 1 phim tình cảm ướt át của HK: Phim 18 năm dĩ vãng, thì bỗng 1 hôm rạp bị cài bom, tớ không nhớ thiệt hại ra sao .
 Lớn rồi, nhiều khi nghỉ học giữa giờ, không về nhà mà cả bọn tới rạp xem xi nê..hình, nghĩa là không vô rạp mà đứng bên ngoài xem những hình của phim và xin những tờ progam để biết nội dung!. Tết thì thế nào cũng xin những tờ này, dày cả tập!
Năm 67(?) có Ti Vi, chỉ có chương trình TV của quân đội Mỹ nhưng ai cũng mê, thể thao, nhất là những seri phim như Batman, Combat, Mission Imposible ...tới giờ chiếu là con nít la lên rủ nhau đi coi vì đâu phải ai cũng có TV, coi rồi đoán chứ có hiểu tiếng Mẽo đâu! Vậy mà cũng vui lắm, đâu ghê rợn như mấy cái phim tuyên truyền hồi nhỏ coi ở Bồng Sơn..(sở dĩ tớ nhớ là năm 67 vì em Hậu sinh năm này và nó có cái áo thêu hình Batman..)
--------------------------------------------------------------------------------------------------
 Khi tớ về lại QN thì sau đó không biết khi nào thì tớ gặp lại lớp phó ngoài Quảng Trị gia đình cũng về QN, Chị Xuân này không học Ấu Triệu nhưng nhà có sạp vải ở chợ QN nên tớ thấy chăng!? Năm lớp 10 thì gặp Xuân vô học lớp 10 C từ Trinh Vương qua. Bạn Thuyên hồi học lớp năm Mai X Thưởng cũng vô lớp 10 C.
Còn Lưu Ly thì gặp lại khi mới vào đệ Thất, nó còn nhớ tớ có học chung lớp năm đó..
  Năm học lớp 12, có 1 bà bạn hàng mua nước ngọt người Huế, bà này nói chuyên với mẹ vài lần mới hay bà là cô giáo của cái trường tớ ghét ở Huế, nghe thế, tự nhiên tớ nhớ ra cái con nhỏ điệu mặc áo manteaux như người lớn hồi đó học khác lớp nhưng hay qua chơi với bạn Phương Mai lớp tớ. Đúng như vậy, bây giờ bà theo chồng đổi vô QN . Bà này giỏi làm ăn, buôn bán, nuôi heo.. rất chịu khó. Nhỏ Hương học ban C và lúc đó đã ra thiếu nữ yểu điệu gái Huế với mái tóc dài tha thướt, dáng vẻ mảnh mai và tớ cũng thấy có bồ rồi!
 Năm 73, tớ ra Huế thi có ở trọ 1 nhà của gia đình Hương cho thuê (có nhiều người thuê), lúc đó tớ mới nhìn xung quanh và khám phá ra cái trường dể ghét nó nằm ngay trước mặt!! , rồi tớ đi tha thẩn ngang nhà cũ, chắc cũng chả có gì thay đổi nhưng tớ không thấy quen lắm, thi xong 3 đứa cũng đi xe bus thăm lăng tẩm này nọ và ăn bánh xèo Thượng Tứ, ngon quá nhưng rất đắt, tới 100 $ 1 cái nên chỉ dám ăn có 1 cái thôi, còn thòm thèm! (ổ bánh mì thịt chỉ 20$, cây cà rem 2, 5$)
 Chị Thùy năm 71 ra học  có gặp lại 1 số bạn ở Quảng Tri như chị Thanh, chị Thủy, chị Cúc, sau 72 mấy chị này vẫn còn tiếp tục học nhưng có lẽ gia đình đều đã chạy vào Huế hay Đà Nẵng. Riêng gia đình chị Thủy (ngày trước chị Th ở trọ) thì cha mẹ chị đem con vào trước, lúc quay về rồi vô sau xe bị giật mìn chết cả cha mẹ ông bà, may mà còn bà cô ở ĐN nên mấy chị em về sống với cô. Sau 75 chị Thủy  vượt biên có viết thư 1 ,2 lần rồi bặt luôn. Chị Cúc thì khoảng 80 cũng vô Sg chờ vượt biên, đến giờ không còn liên lạc.
 Năm 72, chị Thuỳ phải chạy lẹ về nhà vì chiến sự, trường ĐH Huế có nhiều GS từ SG bay ra dạy cả tuần rồi lật đật bay vô! Năm 75, chị lại phải chạy qua níu áo cậu Kiên để quá giang xe cậu vô Đà nẵng, trễ 1 chút thì có nước cuốc bộ qua đèo Hải Vân! như vậy việc tớ thi rớt ở Huế cũng may đấy chứ!!
Chú Chánh sau nghe kể cũng được thả ra (có lẽ do có người nhà nhảy núi) có lẽ về dạy học lại.


 Lan man đã nhiều, stop ở đây vậy.Nhớ gì thêm sẽ nhét vô sau, xem cho vui thôi, đừng chê bố cục lủng củng nha! bạn nào nhớ gì thì kể thêm cho vui.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Mảnh vụn ký ức 3: Huế những ngày cũ

 Vô Huế, nhà tớ ở trong thành nội, số 55 Đinh Bộ Lĩnh
Từ cổng Thượng Tứ đi thẳng vào 1 đường , thẳng tuốt vô trong nữa là Cầu kho, Mang cá.
Nhà này của ông cụ Lê Thiện (ông khoe là bạn HCM) 2 căn kề nhau, bên cạnh cũng một người bạn ba thuê, sát mặt đường không có sân . Nhà cụ chủ nhà kế bên, phía trước có sân rộng trồng nhiều hoa hồng , hàng rào bằng cây xén tỉa ngay ngắn. Đằng sau dãy nhà cũng có đất rộng, ông cụ trồng nhiều thứ nhưng tớ nhớ nhất có mấy cây chanh vì chị Thuỳ và chị Nguyệt hàng xóm hay hái chanh phá nên bị ông cụ này mắng vốn hoài!

 Lúc đầu, chị Thuỳ vẫn còn ở lại QT học lớp Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng, chờ xin được vô trường ở đây mới vào, còn tớ ( suông sẻ!) thì vô học trường nữ tiểu học Đoàn thị Điểm gần nhà, đi bộ không tới 10 phút!
Nhớ hôm đó mẹ dẫn tới trường, gặp một bà cô già, ốm tên Nê (tên chồng chứ bà tên Tuý Bích), bà này dẫn tới lớp giao cho 1 cô hơi mập, người nam, khá vui vẻ, xong tớ vô lớp , mẹ đi về. Mấy tụi trong lớp chả buồn để ý đến tớ, cứ coi như không có vậy! Tới chièu, thấy cả lớp không học mà đi xuống 1 phòng khác, ở đây thấy có đồ nhà bếp, rồi thấy tụi nó lục đục gì đó, tớ chả nhớ, chỉ biét sau đó cả đám được ăn ragou hay cà ri, mới ngày đầu tiên, chưa biét ất giáp gì, tớ thấy lạ quá nên chỉ ăn dón dén, không dám "tận tình"! cũng chả dám hỏi ai về chuyện này, mà chả có đứa nào nói chuyện với mình cả!
Tan học về kể cho mẹ nghe, mẹ nói lúc sáng cô có biểu đóng tiền ăn vụ này rồi! (biết vậy tớ ăn nhiều hơn, tiếc quá!) Thì ra đó là môn gia chánh mỗi tuần.
Cái trường này sân bằng xi măng  mà tụi học trò chỉ thấy chơi nhảy dây chứ ít thấy trò gì khác, mà tụi nó nhảy "cao cấp" hơn ở QT nhiều, nhảy 1 lần 2 dây: 2 đứa 2 tay quay 2 sợi dây, người nhảy thì chạy vô, nhảy qua nhảy lại cho khéo nếu không dễ bị vướng. Tớ nhảy dây cũng thuộc hàng khá nhưng chưa nhảy kiểu này bao giờ nên không dám tham gia, chỉ chơi chỗ 1 dây thôi!
Trong lớp tớ chỉ chơi với con nhỏ ngồi cạnh tên Ngọ, hình như là đội trưởng thì phải, nhỏ này bình thường, nghĩa là không có gì đặc biệt xuất sắc cả nhưng vì ngồi kế bên nên là bạn thân nhất của tớ ở đây! phía trên có 2 con nhỏ ốm nhom, cứ rù rì rủ rỉ mình mình ấy ấy với nhau , ít chơi với ai khác. Nổi nhất là 1 bạn tên Phương Mai(?) cao ráo, xinh xắn và có 2 bím tóc dài, hình như bạn này học giỏi nhất lớp, con của cái bà cô Nê. Lớp bên cạnh có 1 con nhỏ điệu, măc áo manteux, nghe nói là con của cô giáo lớp đó, tên là cô Khuy (đúng ra là ông chồng là Trung tá Khuy, nhà trong Cầu kho, nhỏ này sau vô lớp 10 C của DT đó, tên Hương)
 Phía sau trường có đất rộng, mỗi đội có 1 luống đất để trồng rau! Tớ nhớ hôm đó đi theo bạn Ngọ (không nhớ đi bằng gì?) về 1 làng mua cây rau con về trồng, Ngọ ta nói rằng mấy đội khác chắc trồng salad thường, đội mình nên mua salad quắn cho lạ. tớ chả biết gì, cứ ừ hử cho xong!
 Nhớ cả bọn ra đào đào xới xới trồng mấy cây con này xuống cái luống của đội mình rồi tưới mỗi ngày, ngày nào cũng ra coi nó lên được bao nhiêu rồi! cũng vui.
Có giờ nữ công nữa, cũng mới may mấy mũi căn bản ... Tới hồi thì Lục cá nguyệt, môn nữ công phải làm tại lớp chứ không đem về nhà làm như mọi khi, khỏi nói, miếng vải của tớ nó lem mồ hôi và mấy đường thêu xấu quá! làm hôm đó chưa xong, tất cả bỏ vô tủ, tuần sau làm tiếp. Tớ về nhà nảy ra "sáng kiến" cứu nguy: tớ nói nhỏ với Ngọ, 2 đứa mua 2 miếng vải khác, ở nhà làm cho bình tĩnh, sạch sẽ, xong tuần sau đem vào, thế cái cũ!! haha! chỉ 2 đưa biét mánh này thì phải!!
 Rồi cũng quen lớp nhưng tớ vẫn cảm thấy lạc lỏng sao sao ấy, không có cảm giác thân mật gì cả, học bài cũng không thoải mái như trước, đầu óc không sáng suốt lắm nên kết quả học không được mẹ hài lòng.
 Ghét nhất là lúc tan trường, tớ cứ nghĩ chạy ù về nhà là xong, ai dè bị chận lại, phải xếp hàng, không phải theo lớp mà theo..cái ngã rẽ về nhà! chán thật tớ lúng túng chả biét đứng vô hàng nào, gần nhà chả thấy đứa nào trong lớp cả! Ngọ thì đã ra khỏi trước rồi, tớ cứ đứng đó chờ thấy hàng nào rẽ hướng về nhà thì theo! Giời ạ! nó là hàng cuối cùng!! Thế là cứ phải về sau trong khi chỉ chạy 5 phút là tới nhà! tức quá, có hôm tớ canh me chạy đại về..
 Rồi có lần mẹ dẫn tớ tới nhà cô hiệu trưởng của trường Đồng Khánh Thành Nội (trường này gần nhà, hình như chỉ có mấy lớp đệ nhất cấp, đệ nhị cấp phải qua trường ĐK lớn bên kia sông học tiếp?)) về việc của chị Thuỳ. Lúc này chị đang ở trọ nhà chị Thuỷ bạn chị ở Quảng Trị, cuối tháng mới về nhà. Tớ còn nhớ bà này còn khá trẻ tên là Tiểu Bích, nhìn sang trọng lắm, tóc bới cao, nhà có xe hơi đen (làm lúc đó tớ muốn mai mốt sẽ làm cô giáo!), có lẽ chuyện tốt đẹp nên sau đó chị Thuỳ vô học trường này.
 Lại thấy chị ca cẩm rằng thì là cái môn âm nhạc trường này dạy cao quá rồi, chị theo không kịp, ai đời cái ông thầy già cứ kéo cây vĩ cầm bắt học sinh viết mấy nốt nhạc ra! tớ nghe vậy cũng ớn lắm! mai mốt mình cũng sẽ phải học cái trường này!!
Gần trường có nhà sách Khánh Quỳnh, rất lớn (là so với tiệm sách ở QT), bán đủ thứ học sinh cần, chị em tớ thường tới đây liếc mấy cuốn truyện chứ đâu có coi cọp được như ở QT!.
Nhớ chị Thuỳ vẫn thường thư từ liên lạc với chị Cúc ở QT, 2 chị này thân nhau vì cùng sở thích thơ văn, chị Cúc hay tham gia  mấy tạp chí thiếu nhi..
 Tóm lại những tháng đi học ở Huế tớ chán vô cùng, lại còn lo sang năm lên lớp nhất, học không xong thi đệ thất rớt thì ..nguy!
 Nhưng rồi may quá, ba nói cả nhà sẽ về Quy Nhơn! còn gì mừng hơn! Ba sẽ vô Nha Trang  huấn luyện khoá súng cối mới gì đó mấy tháng, hết khoá thay vì phải ra lại thì vừa đúng thời hạn giải ngũ nên ..mình sẽ từ giã nơi này thôi!
 Vui quá, đến cuối niên khoá, ngày cuối cùng, mình chả thèm nói lời tạm biệt với ai thì phải, nghỉ bụng khỏi phải học cái trường này nữa, sướng quá! rồi nhớ hồi sáng tụi nó nói ra vườn chia nhau salad đem về ăn, mình và Ngọ chaỵ ra thì chỉ còn thấy đất, tụi nó nhanh tay nhổ sạch bách chả còn 1 cọng rau nào!! ối, mà chả thèm..
Nghỉ hè rồi chả phải học thêm, đợi về QN hãy hay.

 Ở đây chả có hàng xóm nhiều nhưng bù lại rất đông bà con. Bà ngoại tớ là người Huế ở làng Thế lại Thượng, bà có 5 chị em gái nên mẹ có nhiều anh chị họ. Từ nhà đi vô Cầu kho có nhà dì Trữ, nhà này rất đông con gái (10 chị) Có 1 anh con trai cả là dân Không quân ở Saigon, chị Lan và chị Phương học Đồng Khánh lớn, còn 2,3 chị kế học trường ĐK nhỏ gần nhà mình, mấy chị này đi học ngang nhà nên hay ghé chơi.
Có cậu Kiên ở xa hơn, 2 chị con lớn của cậu là chị Lựu và chị Sen đã hết đi học và đã có người yêu. Tớ còn nhớ mấy chị này hay qua tâm sự với mẹ, nhất là chị Lựu và chị Lan (chắc là tình duyên trắc trở éo le!)
.Tết đó, mẹ làm bánh in, và đủ thứ mứt, bánh thì làm cũng thích nhưng mứt thì mệt lắm! nhất là mứt gừng nguyên củ, phải xăm cho mềm rất lâu và đau tay, chanh và cam quật (tắc) thì phải lấy dao lam gọt vỏ thật mỏng rồi cũng xâm, xâm hoài chán ơi là chán, me thì phải gọt vỏ muốn dộp tay (hồi đó sao chả thấy găng tay gì cả!). Công đoạn ngồi rim thì có nhàn hơn nhưng cũng chán ngắt, ngồi chết dí 1 chỗ đâu có chạy nhảy được!
làm thì mắc công thế nhưng ăn thì lẹ lắm, mấy chị con dì Trữ ra đớp 1 loáng là hết sạch me dầm (món mình thích)..Ghét tết là vậy!( cho đến sau 75 mới thoát cái nạn làm mứt này!)
Hàng xóm có chị Nguyệt (?) lớn hơn chị Thùy 1 lớp, và anh của chị tên Trác đã lớn không nhớ còn đi học không!? mẹ chị làm công chức, nhà chỉ có 3 mẹ con nên khá vắng vẻ, tớ và chị Thùy lúc này không rảnh nhiều vì phải giữ em và phụ chuyện nhà nhưng cứ rảnh thì bế em qua đây chơi, nhà không có con nít nên họ cũng thích. Anh Trác có cây đàn guitar và rất nhiều bản nhạc, nhưng tớ mê nhất là mấy tạp chí Điện ảnh, Màn ảnh.. mấy tờ này hồi đó chuyên môn đăng tin về ciné, tài tử...có bài kể chuyện phim. Khỏi nói, tớ đọc say sưa, mê mẩn mấy cô đào thời đó: Marylin Monroe, BB, Sophia Loren, Gina, Claudia Cardinal, Robert Taylor.. không có tiền đi xem phim chứ phim nào tớ cũng biết cốt truyện nhờ đọc ở đây! Hồi đó MM đang nổi như cồn, tớ cứ nhớ câu mô tả nàng: "..với mái tóc bạch kim óng ả, với bộ ngực vĩ đại..." hehe.(.bây giờ xài chữ khủng nghe ..ghê!) nhưng tớ thấy Gina đẹp hơn, S Loren thì cái miệng ..rộng quá!!
Tối tối, 2 chị em ôm cái radio nghe Hà Thanh, Phương Dung..Quàng Quanh (Hoàng Oanh) hát !

Đối diện nhà là 1cái hồ mùa hè trồng sen, sáng sáng thấy có 1 chiếc ghe nhỏ chèo ra hồ hái sen, hết hè thì thấy thứ gì không biết nhưng có hoa màu tím!? ven đường có nhiều cây nhãn đang ra trái, tớ định khi nào trái lớn sẽ tìm cách hái nhưng rất buồn là người ta đã lấy bao bao lại cho chim (và cả người nữa chứ!!) khỏi ăn! Thì ra hồ và nhãn này có người đấu thầu chứ đâu phải của công!!(tưởng bở).
Bên hồ TT
  Đi bộ vào phía trong độ 20 phút là tới hồ Tịnh Tâm, đây là chỗ vua ghé chơi đó nha!, mẹ con tớ cũng bắt chước vua tới chơi nè
(nghe nói hạt sen ở hồ này nấu chè ăn ngon nhất )
bên hồ TT
Xung quanh hồ có chỗ để ngồi ngắm sen, ngắm trăng, khuôn viên rộng rãi nhưng bình thường chẳng có mấy ai .
Có lần có đoàn làm phim từ SaiGòn ra quay phim ở ngay hồ này, hình như là một phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thì phải.

Hồ TT, sen hồ này màu trắng
 Tớ không hề nhớ em Tuấn ở Huế có đi học không (đã gần 5 tuổi) thì nghe mẹ nói nó đi học với anh Lộc con dì Trữ ở trước hồ Tịnh Tâm và cũng hay khóc bỏ chạy về nhà!

 Thành phố Huế khi ấy có nhiều xe buýt, tớ còn nhớ xe đi ngang nhà là xe Cầu kho, số 8(?) .Cậu Kiên có xe chạy tuyến Từ Đàm số 5.
Xe buýt số 5 Từ Đàm
Mẹ đi đâu cũng dắt tớ theo, đi tới nhà bà con bên Gia Hội, bên làng...nhà mấy ôn mệ thường có sông gần mé sau..Chợ Đông Ba  tấp nập..Đường phố chính cũng có tên Trần Hưng Đạo như ở Quảng Trị nhưng dĩ nhiên là sầm uất hơn nhiều.Có chỗ nào không nhớ, tớ thấy có cái cầu băng ngang ngay trên đầu mình! điều này chưa từng thấy! (bây giờ thì thành phố có đầy cầu vượt), đi xe buýt thì cũng phải đi bộ nhiều, đường có nhiều cây cao mát mẻ, nhà người dân thường có hàng rào bằng chè tàu(?) cắt xén rất hay, không biết bây giờ còn không, nhiều nhà làm nó như một bức bình phong ngay trước sân! Có những con đường lớn, bên lề có những fontain nước máy, có thể dừng lại uống được, tớ rất thích uống nước này, ngọt lắm! Bây giờ có lẽ mấy cái fontain này không còn chứ hồi đó khách bộ hành nhờ nó mà đỡ khát chứ đâu có quán xá tràn lan như bây giờ! (chắc ở SG cũng có những cái fontain này để người dân lấy nước về xài nên mới có danh từ Mari phông tên!)
Huế có nhiều món ăn bấy giờ đã nổi tiếng khắp nơi nhưng đặc biệt lúc đó người ta hay nói đến một quán ăn có cái tên rất lạ: Quán Âm Phủ, (nghe ghê ghê) nhưng thật ra chỉ vì nó chỉ bán vào đêm khuya và đèn dầu leo lét, nhà tớ cũng có đi 1 lần cho biết, đến giờ tớ không nhớ đã ăn gì ở cái quán đó và nó ngon hay dở, chỉ nhớ đến khi ra về thì khuya rồi không còn 1 thứ xe gì để về nhà, phải cuốc bộ mệt đừ!! (quán này ở bên An Cựu xa lắm) Tớ thì thích nhất món cá kho khô của Huế, cay và đậm đà, ăn với cháo đậu xanh rất tuyệt!

 Rồi cũng được đi thăm viếng lăng tẩm của cố đô, tớ chỉ còn nhớ đi nhiều chỗ lắm, chỗ nào cũng rộng lớn nguy nga (vua mà!), nhưng cũng thấy là rất hoang vu ảm đạm, rêu phong .. bước bên những pho tượng quan quân voi, ngựa to như người thật, thấy ..sờ sợ.. Mẹ còn nói người ta dấu chỗ chôn  thi hài của vua nên ăn trộm không thể lấy cắp đồ chôn theo (!?) làm tớ vừa đi trên sân vừa gõ chân thử có gì dưới đó chăng? hihi...(Không biết có phải như vậy không hay chỉ là tin đồn!?)
Lăng Tự Đức

Đồi vọng cảnh , đi chơi với cậu mợ Tân

 Tớ còn nhớ lăng Tự Đức có cái hồ cho vua ra ngồi câu, làm thơ, lăng Khải định nhiều tranh bằng mảnh chén kiểu, Chùa Thiên mụ, Đại nội chỗ vua ở v.v...Chỗ nào cũng uy nghiêm, cũ kỹ, rêu phong phủ bóng buồn bã như câu thơ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Đâu có du khách nhiều như bây giờ!) Nhưng tớ  thích nhất Đồi vọng cảnh, nơi này cao, khoảng khoát, nhìn xuống khung cảnh rộng rất nhiều cây thông. (có dạo nơi này gây ồn ào trên báo vì người ta muốn xây hotel ở đây!) Nghe nói học sinh ở Huế ngày lễ, hè thường cắm trại ở đây, mong rằng nó sẽ không bị tính sổ!
(Đồi VC cao 43m ở phía tây nam Huế, tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua triều Nguyễn. Đứng trên đồi người ta có được 1 cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở 1 không gian thiên nhiên rộng lớn xung quanh. Ngọn đồi nằm giữa 1 khúc uốn mềm mại, dịu dàng của sông Hương, đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tao ra 1 không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là vậy.)





Đi biển, leo núi cũng mặc áo dài!!
  Ở Huế muốn thấy biển phải đi xa, bãi biển Thuận An cách Huế 15 km về phía đông. Nhà tớ cũng ra đó chơi, có mấy chị họ đi nữa, biển khá vắng và sạch đẹp..

Phụ nữ Huế ra đường là mặc áo dài, mấy bà bán hàng rong cũng vậy, gánh đậu hủ, gánh cháo hay bán hàng ở chợ đều mặc áo dài, có điều vắt vạt áo lên cao cho gọn, nhất là trời mưa. Mùa mưa, trời có thể mưa rả rích cả tháng, ẩm ướt lạnh lẽo, đêm đêm nghe tiếng rao hàng thấy thương những người vất vả kiếm cơm, và cũng thấy mình thật sung sướng khi được ở trong nhà khô ráo.
Đường lên Ngũ hành sơn ĐN (1961)

 Thời ấy, lương của ba đủ nuôi cả nhà nhưng cũng có khi mấy tháng ba không về, chị Thuỳ phải ra cây số 17 (nghĩa là cách Huế 17 cây số) nới đơn vị ba đóng để lãnh tiền. Có lần khi chị Thuỳ còn ở QT chưa vào Huế, ba dẫn tớ đi ra đó để lấy hồ sơ gì đó đem về, ba ở lại còn tớ sẽ về 1 mình! nghe cũng hơi sợ nhưng thấy cũng dễ ợt! cứ lên xe đò, tới bến thì đi xe buýt Cầu kho số 8(?) về ngang nhà thì xuống.
Ra tới nơi, ba biểu đứng bên đường chờ, ba chạy vô trong lấy giấy tờ ra liền, Tớ đứng đó, ngắm ông đi qua bà đi lại, (chỗ đó là cái chợ bên đường thì phải) ngắm chán rồi mà chả thấy ba đâu, bắt đầu chột dạ, thiên hạ chắc thấy có con nhỏ ở đâu mà đứng hoài nên cũng ngó tới ngó lui, con nít chỉ chỏ bàn tán, trời bắt đầu nắng gắt, trưa rồi, vừa mệt vừa sợ không biết có chuyện gì mà ba lâu ra quá, nhìn vô xa xa chỉ thấy cổng đầy giây thép gai rào quanh căn cứ. Thế là tớ sụt sùi, nước mắt nó tuôn rơi, mấy bà bán hàng trong chợ chạy lại hỏi thăm làm tớ khóc oà lên, họ dẫn vô chợ cho mát rồi dỗ dành cho bánh ăn, rồi cuối cùng ba cũng ra.. dẫn tớ tới chỗ xe đò gởi gắm cho bác tài kỹ càng rồi ba vào lại trong đó. Tớ an tâm thế là xong rồi, chỉ còn chút nữa thôi, có gì đâu mà lo! Tới Huế, bác tài chỉ cho lên xe buýt đúng tuyến (tớ nhớ hình như bác không lấy tiền xe). Lên xe buýt rồi, tớ căng mắt canh chừng hễ thấy cái hồ trước nhà thì nói xe ngừng, vậy mà  xe chạy mãi chả thấy đâu, toàn thấy 2 bên nhà cửa lạ quá, chả giống gì quanh nhà mình, tớ bèn xuống đại rồi vô cái quán bên đường hỏi 1 cô ngồi đó chỉ cho đi ngược lại khá xa mới tới nhà! hú hồn! Một nhiệm vụ khó khăn!! (đúng là không chó bắt mèo ăn ..) hihi...
Gần tới ngày dọn đi thì chị Thuỳ bị sưng amidal, phải vô BV cắt bỏ, hồi đó cắt amidal phải nằm nhà thương cả tuần, may mà có dượng Trữ làm BV và mẹ của dì là mụ Cửu chị bà ngoại vô nuôi chị trong đó.

 Nói chung những ngày tháng ở Huế cũng có nhiều kỷ niêm vui, (ngoài cái trường rất chán) chỉ trừ có 1 chuyên buồn: chuyện  chú Chánh sát bên.
Cô Chánh, bé Nguyệt và cu Dũng
Cô chú Chánh dọn đến căn sát bên nhà tớ, sau mấy tháng, chú này là giáo sư ở Bình Dương, bị động viên sau ba 2 khoá, có 2 con còn nhỏ: bé Nguyệt và cu Dũng. Lúc đó tớ có 3 đứa em trai rồi nên rất thèm 1 đứa em gái, thấy bé Nguyệt thích lắm, nhỏ này nhát, chỉ bám mẹ chứ ít ra ngoài chơi. Gia đình này chẳng có ai quen biết ở đây ngoài nhà tớ nên chú Chánh gởi gắm cho mẹ tớ, chú cũng hay đi hành quân xa.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn êm đềm thì bỗng một hôm tớ thấy có chiếc xe Jeep dừng lại, có ông Tiểu đoàn trưởng và vài chú nữa vô nhà cô Chánh. Sau đó nghe mẹ nói chú Chánh bị mất tích rồi! Cả hai nhà đều buồn.
Sau nghe mẹ nói người ta nhặt được cuốn sổ nhật ký của chú Chánh, trong đó có ghi về việc chú có mượn tiền của mẹ!!
 Khi nhà tớ dọn về QN, cô Chánh và 2 con vẫn còn ở lại (chờ tin chăng?)
Bây giờ, nhớ lại chuyện này, tớ hình dung ra nỗi buồn của mấy bà vợ lính, xa quê, con nhỏ, hồi hộp chờ tin chồng..Đó là lúc đó chiến tranh chưa khốc liệt!
__________________-----------------------------------------------------------------------------------------
 
Chuyện tình xứ Huế
 Các cô gái Huế dáng người mảnh mai, tóc dài ngang lưng mặc áo dài thì khỏi nói, sao mà thướt tha yểu điệu! Cảnh Huế thì rất nên thơ không ít người Thấy cô gái Huế chân đi không đành!
 Thời gian ở Huế không lâu nhưng tớ cũng được chứng kiến 2 mối tình: một của chị Lựu con cậu Kiên và một của chị Lan con Dì Trữ.
Chị Lựu nhỏ người nhưng lanh lợi, không nhớ chị làm gì nhưng đã hết đi học, chị có người yêu là anh Mai, pilot ở phi trường Đà Nẵng. Anh này có bà mẹ hình như khó chịu lắm (tớ nghe chị L tâm sự với mẹ tớ vậy) có lẽ bà không thích chị, nhưng chị này thật là  all for love..Chị cố gắng hết sức để lấy lòng bà chằn này. Tết, chị qua nhà tớ ở luôn, làm mứt me, mứt gừng, bánh trái đem qua biếu bà . Chị dắt theo chị Thuỳ nên chị Thuỳ về méc rằng bà này nói: " mi mà làm chi! đi ra chợ mua chứ làm gì được!" rồi thằng em anh Mai còn nói:" Mạ tui không ưa chị, thôi chị về đi!" Chị về kể mà tức tưởi vì làm nát cả 2 tay mà bà ấy nói như vậy!
rồi nhiều cái chuyện khó khăn bà này gây ra nữa nhưng tớ không nhớ, chỉ biết là chị này rất khổ sở với bà mẹ của người yêu!
 Chưa hết, anh này lái trực thăng, một lần cất cánh đâm vào 1 chiếc khác, may mà không thiệt mạng nhưng bị tạm ngưng để điều tra gì đó, khỏi nói chị L như ngồi trên lửa, chị chạy vô Đà Nẵng, gặp cấp chỉ huy, bạn bè anh rồi vận động tùm lum...tớ nghe mà nễ quá! Rồi cũng tai qua nạn khỏi nhưng hình như bà gia tương lại vẫn không bớt khó ưa!! Ba chị cũng ghét bà này nên cũng không thích anh Mai! Nói chung là 1 cuộc tình..đầy khó khăn!
 Rồi cũng  lấy được nhau, vô sống ở phi trường Đà Nẵng (nghe nói bà mẹ chồng cũng rượt theo!), hiện giờ đang ở Mỹ, có cháu nội cháu ngoại rồi. Bà gia này nghe nói vui vẻ rồi, bà cũng sống ở Mỹ một thời gian rồi hồi hương. 
Còn chị Sen em kề chị Lựu thì không giỏi làm bánh trái hay siêng năng như chị L nhưng lại có tình duyên suông sẻ, một ông chồng công binh mà nhà vợ ai cũng khen! Dạo đó tớ và chi Thuỳ hay nói người ta có số nhỉ! Chị Sen có số sướng hơn chị Lựu..

 Còn chị Lan con dì Trữ thì ở gần nhà tớ, đi bộ chừng 30 phút vô phia trong Cầu kho là tới, nhà dì con gáí quá nhiều, chỉ có 1 anh con trai đầu (anh Phúc) đang ở Sg (không quân) và 1 anh trai nhỏ chừng 4,5 tuổi, nhà có nuôi thêm 1 con trai nữa, chỉ 1 mình ba chị đi làm y tá ở BV Huế nhưng con cái đều được đi học tới nơi tới chốn, chả ai phải bỏ học đi làm, chưa kể dượng có nuôi 2 người cháu nhà nghèo ăn học nữa! Vì thế nhà này ăn uống rất kham khổ và rất trật tự: tối là ai cũng phải mở sách vở ra học, không được la cà đi chơi.
Chị Lan lúc đó hình như học trường ĐK lớn (bên kia sông), không biết lớp mấy nhưng đối với tớ thì chị đã là người lớn rồi, vì chị có áo dài màu! Chị thường ghé nhà tớ chơi.
 Một hôm, chị đạp xe ghé vào, hối tớ thay quần áo đẹp để chị chở đi chơi, nghe thích quá, đạp ve tà tà ngắm phố phường còn gì bằng, tớ ít có dịp đi đâu xa khỏi cái cổng Thượng Tứ!
Chị chở tớ đi ra khỏi thành, đi qua cầu Tràng Tiền, đi ngang trường ĐK của chị (trường lớn ghê!) lúc đó hè rồi nên sân trường vắng tanh, chỉ có những cây phượng rất lớn nở hoa đỏ rực, dọc mấy con đường bên đó cũng vậy, toàn cây cao bóng rợp, nhà cửa khang trang..Rồi đến 1 khúc cua kia, tớ thấy có 1 anh quẹo ra đi song song với 2 chị em, tớ không để ý (mãi lo ngắm cảnh tớ chỉ nhớ anh này đẹp trai, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ), cho đến khi ghé vào một quán nước, chị kêu cho tớ 1 ly Birley(?) thứ này cũng là nước cam thôi!( nhưng lúc về chị có giải thích cho tớ rằng kêu cái này nghe sang hơn là kêu nước cam!!) rồi 2 người nói chuyện (tớ chả nghe, mãi lo thưởng thức nước cam! nhưng mà chắc không có nắm tay gì đâu!)). Xong ra về, ai đi đường nấy! tớ cũng không hỏi chị đó là ai vì nghĩ rằng mình biết rồi!
 Về nhà tớ khoe với mẹ rằng con thấy anh Phúc rồi! mẹ nói anh Phúc đang ở SG sao con thấy được! thế là tớ kể mẹ nghe , mẹ cười nói đó không phải anh Phúc đâu, người yêu của chị Lan đó! Ái chà!, tớ đúng là ngốc thật, nếu là anh Phúc thì sao phải gặp em mình ngoài đường! mà không ghé nhà mình chơi!!
Rồi tớ mới biết chuyện của chị: anh này tên Thành nhà cũng khá gần nhà chị nên ai cũng biết, chị Lan ốm, mặt lại nhiều mụn mà anh này rất khôi ngô dễ thương nên cả nhà chị ai cũng nghĩ anh này không thật lòng thương chị đâu..nên có lần 2 người đang đứng nói chuyện ở đâu đó, anh Phúc theo rình, nhảy ra tát anh này bạt tai, nói rằng, muốn đi chơi với em gái tao thì hãy làm đám hỏi đã!  Nói vậy để mong em mình tỉnh mộng thôi nhưng ai dè anh Thành nói mẹ anh sang dạm thật! cả nhà lúc đó mới thở phào nhẹ nhỏm!!
 Sau khi cưới nhau 2 anh chị đi dạy học ở Đà nẵng , rất hạnh phúc, cách đây khoảng 20 năm, tớ gạp lại anh Thành khi anh vào SG , anh vẫn như cái hình ảnh đầu tiên trong mắt tớ, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn, chỉ có khác là đầu bị hói thôi!
 Đó là chuyện tình những năm 60' thơ mộng nhẹ nhàng. Thế hệ bây giờ nghe chắc cười ruồi!!
Một thời đã xa...
Quảng sinh ở quảng Trị nên có tên Quảng
Mẹ mặc chiếc áo dài bông ép màu tím, lúc đó loại vải này đang mode lắm, bà nào cũng may 1 cái áo dài, tớ thích lắm, định bụng mai mốt lớn sẽ xin mẹ cái áo này! Bây giờ nó đâu rồi không thấy nữa!! hihi...
 (Chị Mười thấy chị Thuỳ giống mẹ tớ không?)
Hồi đó cũng mới ra dép nhựa, còn mắc lắm, màu sắc rất ..nổi,  thấy có đứa mang rồi, chị em tớ cũng ráng đòi mẹ mua cho được, mang vào cứ ngắm nghía hoài, đôi của chi T màu tím hoa cà, đôi của tớ màu xanh lá cây, quai có hình hoa lá, trái..bây giờ ngồi gõ những dòng này mà cảm thấy cái cảm giác thích thú lúc có được đôi dép đó! nó mềm mại, êm ái làm sao!hình như 100 đồng thì phải!!Không hiểu sao cứ nhớ mãi đôi dép đó chứ có nhiều đôi giày còn sang hơn!
 Cái hạnh phúc của tuổi thơ chỉ đơn giản vậy thôi! con nít bây giờ nhiều đứa nhiều đồ đạc quá nên chưa chắc có được cái niềm vui này!

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Những mảnh vụn ký ức 2: Cái nơi "nắng lửa mưa dầu"

 Quảng Trị 1962-1964
Cả nhà thu xếp ra Quảng Trị, hình như đã gần vô năm học mới.
Đi bằng xe lửa, thích vô cùng vì nghe nói lần này đi lâu lắm mới tới! Có chị ở tên Tâm đi theo.
  Tớ  nhìn cảnh hai bên đường suốt, cây cối, nhà cửa chạy qua khung cửa sổ xe như cuộn phim..nhưng có khi bỗng thấy tối om! thì ra xe lửa chui qua hầm! qua cũng mấy cái hầm như vậy thì tới Đà Nẵng, tàu nghỉ đêm lại đây, sáng hôm sau mới chạy tiếp ra Huế...(có lẽ vì lí do an ninh?)
Cả ngày trên xe nhưng tớ chả thấy mệt gì cả, cứ mong xe chạy hoài, chạy hoài đừng có ngưng..
 Rồi cũng tới nơi, người ta nói QT là tỉnh cuối rồi, gần sông Bến Hải địa đầu giới tuyến nên xe lửa đâu có đi tiếp nữa!
Quảng Trị 1967 (hình của Key West)


  Một căn nhà ba thuê trước đó trong một ngỏ nhỏ, hàng xóm rất thân thiện dễ thương, họ vui vẻ chào đón một gia đình xa lạ có giọng nói không giống họ tí nào!
 Mẹ lo đi xin chỗ học cho chị em tớ. Tớ may mắn được nhận vào lớp tư trường Nữ Tiểu học QT, còn chị Thuỳ thì họ nói lớp nhì hết chỗ rồi, chị phải học trường tư  của mấy Soeur, trường Térésa ở đầu ngõ.
 Trong xóm có nhiều con nít, có chị tên Hồng trước nhà cũng học cùng trường dẫn tớ đi học mỗi ngày.
Lớp mới này bạn nào cũng hiền lành không có ai ăn hiếp bắt nạt tớ cả, cô giáo cũng không có roi. Tớ an tâm học hành, chơi đùa thoải mái.
Riêng chị Thuỳ, học trường đạo nên phải đọc kinh, tuần nào cũng có môn giáo lí phải học thuộc rồi trả bài . Chắc là khó lắm hay sao mà cứ thấy chị càm ràm, bực bội lắm, có khi còn khóc nữa!!
Nhưng sau đó thấy chị cũng vui vẻ, hay về nhà quơ mấy cái áo đầm của 2 chị em (vì giống nhau) lên lớp tập múa. Có khi chị được đi cắm trại xa.(ở La vang)
Trong xóm, mấy bà mẹ thường ngồi trước nhà đan áo, chuyện trò râm ran.
Tớ và mấy bạn nhỏ cũng xin len vụn và mấy cây que đan nho nhỏ, tập đan, mới đầu mẹ dạy cách gầy mũi, rồi đan mũi xuống, mũi lên, chỉ chừng đó thôi mà đan một hồi, số mũi nó tăng hay giảm chứ không còn như lúc đầu nữa. lại tháo ra, đan lại.. cứ thế mà rất thích . Thích nhất là những sợi len có kim tuyến, nó óng ánh đẹp ghê!  nhưng đâu có nhiều, bọn tớ cứ nối những đoạn người lớn bỏ đi nên cái cục len có đủ thứ màu!

Đặc biệt tớ thấy ở đây người ta ăn ớt giỏi kinh khủng!
Mấy đứa con nít hay bưng chén cơm chạy lung tung, tớ nhìn thấy sao cơm thường có màu đỏ, thì ra tụi nó ăn cơm với xì dầu (ở đây gọi là vị tâm, bột ngọt là vị tinh) rắc thêm ớt bột! Sau đó tớ để ý nhà nào cũng có ớt bột nhiều, kho cá, nấu canh..đều bỏ ớt bột tạo thành màu đỏ rất bắt mắt (chứ không như bây giờ người ta xài màu điều) ra mấy tiêm tạp hoá cũng thấy bán nhiều xì dầu và ớt bột. Rồi dần dần tớ cũng tập ăn ớt cho đúng điệu!
 Tớ còn nhớ có  nhà hàng xóm làm bánh ướt, bán ở đâu không nhớ nhưng ở nhà chỉ còn 1 chị vừa xay bột vừa tráng bánh trên 1 cái lò lửa củi lớn. Tớ hay chạy qua giành xay bột, cái cối lớn có tay quay nối với 1 cái cần tre dài, đứng đẩy cái cần này cho cái cối quay chứ không phải ngồi quay tay như ta thường thấy ở những gia đình, cũng nặng nhọc lám nhưng tớ coi như trò chơi mà, mệt thì nghỉ, ngồi nhìn chị tráng bánh, (thích tráng lắm nhưng chuyện này coi bộ khó, tớ không dám thử) và dĩ nhiên là được ăn bánh vụn! Chị này vừa làm vừa kể chuyện cho tụi tớ nghe, thích lắm, chị còn hứa sẽ lấy đất sét nặn cho 1 cái cối xay để chơi. Tớ chờ mãi chả thấy đâu, nhắc hoài. Chị này bận lắm, hầu như đầu tắt mặt tối chả ngưng tay. (chị Thuỳ mới cho biết chị này tên Mít có bà mẹ ghẻ đi bán bánh ướt ) Bánh này người ta mua về rồi rắc tôm châý xong cuốn lại chứ không phải ăn như trong nam.
 Con nít xóm này khá đông nên vui lắm, không đi học thì chạy lông rông bày trò ra chơi đùa với nhau, nhà ai cũng mở cửa, đi qua đi lại tự nhiên (không có chuyện phải gõ cửa bấm chuông như giờ)

Không biết ở xóm đó bao lâu thì nhà tớ dọn tới 1 ngôi nhà rộng hơn, ngoài đường thông thoáng, tớ còn nhớ rõ số nhà 13 Phan Thanh Giản! con số này không bao giờ tớ quên được vì lúc dọn về rồi nghe hàng xóm xì xầm nhà này có ma! con nít nào chả sợ ma!
Ma đâu chưa thấy nhưng gần nhà có ông cụ tên Hường rất tử tế, 2 vợ chồng già, con cái ở xa, có bà con gái học ở Saigon chị Thuỳ nói bà này chấm nốt ruồi tùm lum trên mặt! (hồi đó có mốt nút ruồi như ca sĩ Minh Hiếu!)
Nhà cụ Hường có treo nhiều giò phong lan rất đẹp mà tớ chưa từng thấy ! nó là những khúc cây rồi đâm ra hoa chứ không trồng trong chậu nhỏ, ông cụ chăm sóc kỹ lắm. Ông cũng có nhiều chậu kiểng trước sân, có thứ ông gọi là long tu (râu rồng) và đem cho mẹ tớ 1 mớ bày nấu chè ăn mát lắm! Sau này vô Sg, nghe người ta gọi nó là cây nha đam, bây giờ thì thường gọi là cây lô hội.
Bây giờ cây này lên đời nỗi tiếng chứ lúc đó chả ai để ý.
Phía trước nhà tớ là chỗ trọ của 2 chú thông ngôn, tớ chả còn nhớ gì nhưng chị Thuỳ kể gần nhà có cô thợ may tên Hiền xinh xắn, người băc, mấy chú này cứ nhờ chị Thuỳ đưa thơ cho chị, xong chú cho ăn cà rem, chị mê cà rem nên tích cực lắm, cho đến một hôm nghe lóm mấy chú này cười đùa bàn tán với nhau rằng thợ may đạp máy may hoài chân to lám, tối nằm ngủ mà gác chân lên mình thì..nặng lắm!  Chị tớ nghe như vậy ghét quá không thèm làm nữa!  hihi...
 Bên hông nhà có cây  giáp cá và cây Dạ lý hương, đặc biệt cây này ban đêm toả mùi rất nồng nặc, chị Tâm nói nghe người ta bảo mùi này quyến rũ ma tới đó! nghe sợ lắm, mất ngủ mấy hôm! nhưng rồi cũng chả ai thấy con ma nào! mọi chuyện trở nên bình thường.
 Đặc biệt ở đây có nhiều cây sầu đông, nhưng người ta gọi là cây thầu đâu, hình như hoa nở vào mùa đông(?)  mùi cũng rất thơm và trái ra cả chùm, mỗi trái màu xanh, cứng to cỡ đầu ngón tay, hình tròn dài, trái này rất đắng nên chả làm gì ngoài làm đạn bắn nhau! (hồi đó cứ ước gì nó ăn được thì hay biết mấy vì rất nhiều!)
Trưa trưa, mấy chị người làm rủ nhau đem quần áo ra sông xả, sướng nhất là giặt chiếu vì cứ trải nó ra trên mặt nước rồi lấy bàn chải chà thoải mái chứ trong nhà chật chội khó làm. Hai chị em tớ cũng đi theo chị Tâm ra sông,(chờ cho 2 thằng nhóc ngủ chứ không nó đòi đi theo), chị giặt còn tụi tớ tắm, vui đùa với 1 đám con nít khác. Tụi con gái nói với nhau: mấy con chí sẽ trôi theo sông Thạch Hãn này ra tuốt ngoài biển luôn! rồi cả đám nhìn qua bên kia sông mơ một ngày có thể bơi qua thấu bên kia! (và đã không bao giờ có !)
Hồi đó có lẽ khí hậu ẩm thấp, đầu đứa nào cũng đầy chí, mẹ phải xịt thuốc rồi lấy khăn trùm lại cho nó chết, xong một lát mơí gội, cũng phải xổ sán lãi hoài, hồi đó có cái kẹo nhọn nhọn như bánh ú nhiều màu sắc ăn kèm với chuối rồi sáng dậy phải nhịn đói cho con sán chết. 

 Lại dọn nhà. Có người sang lại một chỗ trong cổ thành Đinh Công Tráng. Trong thành này có quân đội đóng và một ít nhà của gia đình quân nhân, chắc là ở khỏi tốn tiền thuê chứ  rất xa trường và chợ. Tớ chỉ còn nhớ  mang máng cái thành này có lớp tường cũng dày lắm, xung quanh có hào sâu, có nhiều cổng nhưng thường chỉ cho đi 1 cổng chính có lính gác. Gần chỗ nhà tớ ở có 1 trại gà không biết của ai nhưng mình có thể mua trứng. Trại gà này ngay 1 cái cổng thành khác, từ đây tớ có thể đi học gần hơn nhưng họ đóng lại không cho đi có lẽ vì an ninh.
Phía trong căn gia đình tớ là mấy căn nữa cũng của mấy người đồng đội của ba, mấy ông chồng thường vắng nhà, chỉ có mấy bà vợ và đám con nhỏ, mẹ tớ lớn hơn mấy cô kia, đa số họ có con chưa đến tuổi đi học. Cô Quýnh vừa sanh con, tối tối kêu chị Thuỳ qua ngủ cho đỡ buồn, tớ thì qua nhà cô Mạnh cũng chỉ có 2 mẹ con.
Trong thành buồn quá, chả có con nít bạn bè để chơi (toàn là mấy chú lính), đi học rất xa, mỗi sáng tớ phải dậy sớm rồi đi một mình, ớn nhất là phải băng qua mấy cái cây cổ thụ , trong thành này rất nhiều cây cối lâu năm, trúng những tháng mùa đông, sương mù dày đặc, không thấy rõ những con sâu gọi là sâu đo, tòn ten từ trên những cây này, lửng lơ trước mặt mình! nhiều sâu lắm, cứ căng mắt ra mà tránh chứ nếu không nó đo từ đầu tới chân là chết ngay! (là tớ nghe tụi bạn dặn thế).
Rồi tớ dành dụm được 2 đồng (?) trưa, đợi cả nhà ngủ, tớ lẳng lặng đi ra chợ xa mua 1 con búp bê hằng mơ ước, nó nhỏ chưa tới 1 tấc nhưng tay chân xoay được nên có thể may quần áo cho nó (nếu so với búp bê bây giờ thì nó như ..rác! con nít chả thèm đâu) Tớ hí hửng đem về đi xin vải vụn may áo cho nó, cứ trưa trưa là đem ra ngắm nhưng may váy thì dễ chứ áo thì không biết may! cái kéo thì chỉ cắt được giấy chứ vải cắt không đứt, khổ ghê! phải năn nỉ nhỏ bạn tên Oanh may giùm, nhà nó xa ơi là xa mà nó hay hẹn, thât lâu lắm mới có cái áo cho nó. (chị Thuỳ không chơi trò này, tớ chơi 1 mình và giấu kỹ lắm )
Rồi cũng có việc làm khỏi sợ nhàn cư vi..
Mấy bà nội trợ rủ nhau làm bột sắn giây, củ này còn gọi là sắn cơm, nghe nói rất khó trồng , trên Khe Sanh khí hậu lạnh ẩm mới có nhiều, nghe nói dùng nó rất tôt nên nhà nào nhà nấy mua về làm.
(sau 75, ngoài Bắc đem vô nhiều bột này nên bây giờ người ta đã biết dùng chứ hồi đó ít lắm)
Cứ rảnh là chị em tớ phải mài sắn, bàn mài tự làm băng cách lấy đinh lớn đục trên 1 tấm nhôm cho thành nhiều lỗ lởm chởm, mài mỏi tay mà lúc củ sắn gần hết thì tay dễ bị chạm vô bàn mài trầy tay đau lám. Sắn mài xong mẹ sẽ lọc qua nhièu lần rồi lấy bột đem phơi, mẻ tốt nhất gọi là bột nhất, mẻ sau không tốt bằng gọi là bột nhì...(phơi lâu lắm mới xong, chưa kể gặp trời mưa)
Hết sắn giây, lại đến mài củ mì (ở đó họ gọi là củ sắn), hết củ mì thì có củ huỳnh tinh (bột củ này làm bánh phục linh...mài triền miên..
Dạo đó đi đâu trong thành cũng thấy mấy cái nong phơi bột, mùi chua chua.(đất rộng tha hồ phơi!)
 Bột làm xong được gởi lên cho mấy ông chồng đang đóng đồn ở xa, tận biên giới Lào! Tớ còn nhớ như  in những cái địa danh như Lao Bảo, A Sao, A Lưới.. đó là những nơi rừng thiêng nước độc trên dãy Trường Sơn. Mẹ cũng thường làm thịt chà bông và đan găng tay, mũ thật dày vì ba nói trên đó lạnh lắm. Lúc đó khoảng đầu thập niên 60, mấy người anh em còn ở trong rừng sâu, chưa có vũ khí nặng nên chỉ lâu lâu mới làm một cú gây tiếng vang chứ chưa có ..mần ăn nhiều nên chiến tranh chưa có ác liệt như sau năm 68.(chưa biết mùi đau thương!)
Toàn cảnh thành Đinh Công Tráng, Sept 1967 - Photo by David Sciacchitano

(Mới tìm 1 ít thông tin về cái thành cổ này nhưng toàn là thông tin về trận đánh ác liệt năm 72. Hình ảnh cũ của nó không có, sau 72, nó chỉ còn là một nấm mồ tập thể chôn vùi biết bao người !)
Hơn hai thế kỷ trước, Cổ Thành Quảng Trị là thành lũy quân sự của nhà Nguyễn được xây cất từ đầu đời vua Gia Long (1802), tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Chu vi tường thành gần 2.000 m, cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian như mủ cây Ô-Dước. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc. Sau chiến dịch mùa "Hè đỏ lửa" 1972 toàn bộ Cổ Thành Quảng Trị gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn  )

 tấm hình này chụp 2007, có lẽ nó là cái cổng duy nhất còn sót lại.

Không biết được bao lâu thì lại dọn ra ngoài, nghe mẹ kể ông tướng Nguyễn Chánh Thi ra xem xét tình hình nói rằng trong thành mà tập trung như vậy nguy hiểm lắm! Tụi nó bắn vào là chết cả đám!
Lần này thuê nhà của bác Đoài(?) trên đường Quang Trung. Nhà bác này có đất rộng nên xây thêm 1 căn bên hông cho thuê, phía sau có mảnh đất rộng trồng đậu xanh, chuối..
2 thằng nhóc ở vườn sau nhà
Hai bác chủ nhà đã lớn tuổi có 3 người con gái: chị Thanh học lớp chị Thuỳ, kế là Thanh Hương học lớp tớ, em út là Hương Hoa nhỏ hơn 1,2 lớp (cứ lấy tên chị mà lót cho em)
Sau mới biết thêm còn có một anh lớn đang du học bên Mỹ (chắc anh này học giỏi lắm)
Nhà này rất ngoan đạo, tối nào cũng nghe đọc kinh, khỏi nói 3 chị em này đi nhà thờ thường xuyên và trong tuần có mấy buổi tới sinh hoạt ở đó theo đội gì đó tớ quên tên , đại khái như Gia đình phật tử bên chùa vậy!
Thế là từ đó, tớ có bạn kế bên, đi học chung nữa, thích lắm, không còn phải lo dậy sớm đi học và nhất là khỏi sợ..chết vì mấy con sâu đo!
Đến hè, qua nhà bà con của Hương Hoa học thêm, mấy nhà này thỉnh thoảng hay đánh bài, không phải bài Tây hay bài tứ sắc, tớ thấy lá bài lớn mà dài, có vẽ hình lạ lắm. con nít cũng hay ngồi coi người lớn chơi, không thì chơi ô làng, nhưng mê nhất là chơi đánh nẻ, hình như là 10 que tre (hay hơn?) chắc các bạn đều biết. Trò này mà có cái banh tennis là tuyệt nhất nhưng khó có lắm, phải chơi bằng viên bi hay banh của bóng bàn, chơi hoài "tay nghề " được nâng lên thấy rõ! đi học cũng đem theo chơi.
con đường trước nhà dẫn đến "vườn hoa"
Nhà không có giếng, thường thì chị Tâm phải đi xách nước ở một nhà trong xóm hơi xa dọc đường có nhiều tre rất mát, bọn tớ cũng đi theo và tập gánh (chỉ độ nửa thùng thôi) đau vai lắm! nhưng vui, cái giếng này cả xóm xài nên đó cũng là nơi tụ họp, nói chuyện như lúc trước đi giặt đồ bờ sông.

Vườn hoa
 Chiều chiều, người dân hay ra "vườn hoa" gần đó chơi, đó chỉ là 1 khoảng tam giác (tiểu đảo) nơi giao nhau của 2 con đường, chỉ thấy cỏ chứ chả có bông hoa gì! người lớn, con nít ngồi dọc theo cái bờ lề nói chuyện hóng mát rất vui (chắc là giờ đó không còn xe chạy)
Ở miền này có 1 thứ trái (dại?) mà tớ không còn thấy ở đâu có, nó nho nhỏ bằng đầu ngón tay, màu đỏ, chua chua, người ta gọi là trái dâu (nhưng không giống gì dâu ta hay dâu tây cả) người ta bán từng lon cho con nít ăn vặt như ở QN người ta bán chà là (dại) hay trái trâm vậy, tới mùa hè nhiều lắm, mấy bà rủ nhau mua về làm rượu, mẹ tớ cũng làm. gởi về QN cho bà con.
Hoa, Thùy, chị Tâm, Mỹ, Hương, bé?, Cường, Tuấn
.
 Hai nhỏ Hương và Hoa chơi với tớ cả ngày trừ những lúc tụi nó đi tới nhà thờ sinh hoạt, những lúc đó tớ buồn lắm, thấy trống trải quá và cứ mong tụi nó chóng về..riết rồi tớ đâm ra ghét nhà thờ luôn! mà hình như tụi nó không rủ đi hay mẹ tớ không cho nên tớ nhớ chưa có đi nhà thờ lần nào cả. Anh tụi nó có gởi về 3 cái áo đầm đẹp ác ! (áo Mỹ mà!) Tớ vẫn nhớ rất rõ áo chị Thanh màu thiên thanh, áo của Hương màu vàng có chấm trắng li ti (đẹp nhất) còn áo nhỏ Hoa màu hồng! (trong hình Hương và Hoa mặc 2 cái áo vía đó nhưng rất tiếc là không  có màu để thấy nó đẹp lộng lẫy!), tụi nó còn đem ra khoe một hôp bando cài tóc, nhiều màu lắm, nó cho tớ lựa màu nào cũng được nhưng màu trắng thì tụi nó không đụng tới, vì không được cài, như thế là đeo tang! (lúc đó tớ và tụi nó bàn tán, chắc bên Mỹ họ không kiêng sao mà làm bando màu trắng nhỉ!) anh nó cũng gởi về nhiều bong bóng, loại nho nhỏ, 3 đứa thổi đã đời, hết hơi! Đó là những thứ mang hơi hướng America đầu tiên tớ biết, dạo đó chỉ thỉnh thoảng thấy có 1 ông Mỹ dân sự phát kẹo cho con nít thôi, còn quân nhân thì không thấy, tớ chỉ thấy hình ba chụp chung với cố vấn Mỹ trên tiền đồn thôi!
 Có lần mọi người qua bên kia sông coi biểu diễn nhảy dù, Tướng Nguyễn Chánh Thi tổ chức cho dân chúng coi, tớ cũng đi cùng , coi thì cũng thú vị nhưng tới hồi kết thúc, trời nắng như đổ lửa, xung quanh là đồng trống, kiếm không ra miếng nước uống, đứa nào đứa nấy khát khô cổ, mệt đừ!!

  Thường hay có máy bay thả truyền đơn, con nít khoái lắm đi lượm về cả nắm..nhưng vui nhất là khi những đoàn Đại nhạc hội về trình diễn, ban ngày có những xe đi alo quảng cáo và phát những tờ chương trình in hình tài tử thấy mê! Chị Thùy kể có lần thấy ca sĩ Duy khánh và Thanh Thúy vì ông này có cha mẹ ở gần nhà số 13 PTG, chị nói Thanh Thúy đẹp ơi là đẹp, mái tóc dài  mặc áo dài tím. (ông này là cháu mấy đời của ông quan Nguyễn văn Tường). Tớ thì thích những hình có cô Kim Cương vì họ có in một hình viên kim cương lóng lánh.
Cái rạp xi nê hay chiếu phim Ấn Độ có mấy công chúa hát múa trên một cái lá sen to khổng lồ, con nít mê mẩn.. Khi có đoàn hát hay đoàn ca nhạc kịch gọi là đại nhạc hội (thường vào dịp xuân về họ làm "Cây mùa xuân" ) thì rạp tạm ngưng chiếu phim, khi nào mấy đoàn này đi thì mới chiếu lại. Chuyện giải trí chỉ có vậy, đêm đêm nghe radio có nhiều bài hát và đặc biệt lúc đó có chương trình quân đội : Tiếng nói Dạ Lan, nghe ngọt ngào lôi cuốn lắm!
  Có một sự kiện mà tớ không biết chính xác năm nào: sáng đó thấy ngoài đường xôn xao vui lắm, tớ chạy ra xem thì thấy nhiều chiếc xe đò treo banderole ở hai bên hông xe đại khái là đi ra cầu Hiền Lương trên sông Bến hải biểu tình, trên xe đầy người hát hò vui lắm, dân chúng 2 bên đường hoan hô! tớ lật đật chạy về nhà la lên, má ơi, đi ra Bến Hải chơi! không biết mẹ nói sao nhưng tớ nhớ là mình thất vọng ghê gớm vì không đi được! cứ nghe người lớn kháo nhau đủ chuyện về cây cầu đó nên tò mò lắm, nào là 2 anh lính gác cầu của hai bên chọc nhau, đùa với nhau v.v..
 Và một sự kiện nữa cũng không biết năm nào, chỉ nhớ là hôm đó nắng chang chang, người ta kêu con nít sắp hàng hai ở sân vận động, Mỹ sẽ phát quà! (tớ đoán chắc là ngày Quốc Khánh 4-7)
 Xếp hàng rồng rắn dài ơi là dài, trời nắng mà chờ mãi vẫn chưa tới lượt, mồ hôi mồ kê đổ, vừa khát nước vừa mỏi chân, muốn bỏ về cho rồi nhưng tiếc cái công xếp hàng cả buổi mà cũng ham "đồ Mỹ" nữa! vô được gần tới nơi thì thấy một ông Mỹ đang quậy nước cam trong cái thùng to như thùng phi, ông khác thì phát bánh hay xúc xích gì đó không nhớ nữa! lãnh được rồi hí hững lắm,  ra ngoài thấy mấy đứa con trai rủ nhau xếp hàng lần nữa!
  
La Vang
Dân chúng ở đây theo đạo khá nhiều, do lúc trước bị vua cấm đạo nên họ tụ tập vô đây, nhất là sau 54. Tớ cứ nghe mấy người ở nhà bác Đoài và chị em Hương Hoa nhắc đến Thánh Địa La Vang, nào là nơi đó linh thiêng lắm, đẹp lắm...tớ nghe và cứ tưởng tượng nơi đó là thiên đường vậy! rồi tớ nhớ có được tới nơi này một lần có lẽ là một dịp lễ lớn vì rất đông người hành hương. Bây giờ trong kí ức tớ chỉ còn nhớ là chỗ đó rộng lớn lắm, từ ngoài vô tới nhà thờ có rất nhiều tượng Thánh lớn (nói theo kiểu bây giờ là hoành tráng lắm!)
Rất tiếc là năm 72 nó cũng tan nát, tìm mấy hình cũ thì không có, chỉ có hình cảnh hiện nay hầu như đã được xây dựng lại mới hoàn toàn!và chỉ thấy những chậu cây kiểng chứ không có những tượng Thánh bề thế ngoài khuôn viên như trước.

( La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, cách thị xã QT 4km về phía nam, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798 và một nhà thờ đã được xây dựng gần nơi 3 cây đa, nơi Đức Mẹ hiện ra. Thánh địa La Vang được Tòa thánh Vatican phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang từ năm 1961
Nhà thờ LV 1967
Theo truyền khẩu, bắt đầu từ 1864, đã có 30 giáo dân Cổ Vưu tổ chức hành hương La Vang và những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm với số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc hành hương La Vang cấp giáo xứ (Cổ Vưu) thành giáo hạt (Dinh Cát).
Từ khi nhà thờ ngói được dựng, hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang thường tổ chức lễ hội hành hương, gọi là "Kiệu" (cứ 3 năm lại có một "Kiệu" lớn, gọi là "Đại hội La Vang"). Người hành hương về nơi này có thể mua được lá cây vằng, một loại lá thường dùng sắc thuốc hoặc uống mát, lành và có khả năng kháng khuẩn, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở. Không những thế, khách thập phương đến đây là để hành hương và cầu xin những ơn lành mà người Công giáo tin rằng Đức Bà sẽ ban ơn như ý.
Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã cho phép hành lễ tại đây trở lại. La Vang đã trở thành thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo Việt Nam, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương, như năm 2008  Đại hội La Vang 29 sẽ vào năm 2011 (cứ 2 năm hành hương có 1 Đại hội).(theo internet)
Nhà thờ LV (67)

 Mùa hè, nắng gắt nhưng lúc đó thị xã có rất nhiều cây to, nhất là phượng nở hoa đỏ rực! bọn tớ cứ lấy hoa phượng làm đồ chơi, cánh nó ăn cũng chua chua, trái nó nằm trong 1 lớp vỏ dày dài, rất cứng, phải lấy búa đập ra (không biết để làm gì chứ ăn không được!) hình như đối với con nít, cái nóng không ảnh hưởng bằng cái lạnh thì phải, vẫn chạy nhảy vui đùa  thoải mái..
 Mùa đông thường mưa dầm dề, ẩm ướt, phơi đồ khó khô, đêm nằm ngủ lạnh lắm, hồi đó không có nệm, nhiều khi phải để 1 cái lò than đã vùi 1 lớp tro dưới giường cho ấm! Tớ và chị Thùy chia nhau bộ đồ dạ của lính Tây, đứa mặc áo, đứa cái quần, bên ngoài có mền mới chịu được! Mấy bà già thường có 1 cái giỏ mây nhỏ bỏ vừa 1 cái ơ nhỏ (bằng gốm) trong bỏ ít than hồng, xách theo bên mình nếu đi ra ngoài. Và ăn cay khi trời lạnh rất ngon! (kêu là lồng ấp?)
 Lúc này tớ đã thích đọc truyện rồi, có 1 nhà bạn gần đó có rất nhiều tryện tranh (loại rẻ tiền, giấy xấu ), tớ nhớ cả bọn nằm lăn trên gác đọc say xưa, nhưng đọc rồi cũng hết, ở nhà cũng có nhiều sách của ba nhưng tớ chưa đọc được (ba hay mua đem lên đơn vị xem chứ ở trên đó ngoài cái radio thì chả còn gì để giải khuây!)
 Có 1 tiệm sách tên Phổ Thông, bọn tớ hay đến mua ngòi viết, mực, vở...ở đây có bán nhiều truyện cổ tích rất hấp dẫn, sách in trên giấy tốt, bìa vẽ tranh rất đẹp, đứa nào cũng thèm , chủ tiệm là 2 chị em, cô chị rất đễ thương (bán 1 đồng 3 ngòi viết) còn cô em , tớ còn nhớ tên Vân, mập và ..không dễ thương  (chỉ bán đúng 2 ngòi viết thôi!) nên chị em tớ cứ thấy cô chị bán mới vô mua . Cứ lân la tới hoài rồi cô chị cũng cho chị em tớ xem mấy cuốn truyện cổ tích đó, đó là những tryên cổ tích của nước ngoài, dịch từ tiếng Pháp, hình ảnh rất đẹp, nào là Cô bé lọ lem, Bạch Tuyết, Công chúa da lừa...cứ trưa trưa bỏ ngủ trưa tới tiệm coi "cọp" (dĩ nhiên là nếu lúc đó không có cô Vân coi tiệm!)
 Gần đó có 1 chú chuyên khắc tên trên viết máy, khắc thủ công chứ không có máy móc gì như tiệm Đại Chúng ở QN, cả bọn hay ghé xem chú làm, say mê, nhưng chỉ xem chứ lúc đó chưa đứa nào có viết máy,  (hình như lên trung học mới xài viết máy) vẫn xài viết chấm mực, phải có giấy thấm hay viên phấn để chậm cho khỏi lem.
 Thời đó có những sách giáo khoa như sách sử ký và thủ công in trên giấy và bìa rất tốt vì do "Nhân dân Hoa kỳ tặng" những sách này hình màu rực rỡ chứ sách của Vn giấy xấu và thời đó in ấn còn thô sơ, làm gì có hình màu! Sách giáo khoa nhưng cũng có rất nhiều truyện cổ tích VN như Hoàng tử sọ dừa, Tấm cám...đọc say mê! (đỡ dang nắng)
 Đầu năm học mà kiếm được mấy cuốn Thế giới tự do để bao vở là mừng lắm, tạp chí này của phòng thông tin HK phát không cho nhân dân VN nhưng mấy ông công chức thường ếm bớt nên dân chúng đâu có nhiều!

 Đó là mùa nắng, tới mùa mưa đi học cũng mệt nếu ta bị ..rách áo mưa! hồi đó áo mưa không được tốt, cứ hay bị rách và chắc cũng không rẻ nên có cái nghề vá áo mưa , rách đâu thì vá đó, ông thợ lấy cái bàn ủi bằng than ủi lên thì phải! Tớ nhớ chuyện này vì hồi đó trong lớp có chị lớp phó có cha làm nghề này. Trưởng lớp tên Thìn (chắc là tuổi thìn) và phó tên Xuân, các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết đó là Xuân (Sông trăng ) đó! Hai chị này có vẻ lớn hơn bạn bè trong lớp chắc là đi học trễ.
 Những năm nhà tớ ở QT thì không có trận bão hay lụt nào lớn, chỉ có ít lần mưa nhiều, đi học về cứ sợ lọt xuống mấy cái mương hay hố hai bên đường vì nước ngập hết không còn thấy được trừ những chỗ có xoáy nước lớn thì biết là chỗ sâu! Bão thì được nghỉ học, ở nhà nhìn ra cánh đồng xa xa thấy người ta chèo thuyền trên những chỗ là đám ruộng, con nít chưa biết gì, chỉ thấy nghỉ học là khoái thôi, nhất là sau đó hết bão, chạy ra đường, chỗ những cây phượng cổ thụ bị bật gốc, lượm trái của nó về chơi, bình thường cao quá đâu ai hái được!
Tớ cũng kiếm nylon lấy kim chỉ, mày mò may 1 cái túi 2 ngăn, có thể gấp lại để đựng sách vở cho khỏi ướt! Giờ nữ công cô đã dạy mấy mũi can bản rồi. Đan thì tớ đã "lên hạng " rồi, đã đan được foulard để quàng cổ cho ấm, foulard nhiều kiểu đẹp lắm, cứ thấy bạn nào có kiểu lạ là tớ mượn về nói mẹ bày đan! áo thì chỉ đan phụ mẹ mấy mũi thường thôi chứ chưa biết bớt nách hay viền cổ..
lúc này có nhiều mốt mới lắm, mấy bà nội trợ cứ trao đổi kiểu áo len và bắt đầu thấy có loại len to đan bằng que tre to rất mau, loại này để đan áo cho đàn ông mới hạp.
 Ở trường mấy cô giáo cũng đem theo đồ đan, giờ ra chơi hay khi cả lớp làm bài tập, cô lại đan.
 Năm lớp nhì (lớp 4) tớ học với cô Lê thị Tin Kính, mấy năm trước nghe tiếng cô này nghiêm nên ớn lắm, hình như chỉ có cô là còn độc thân, tóc thắt bím, mặt ..chả hiền tí nào!
Thật ra cô chỉ nghiêm nghị vậy thôi chứ cô dạy rất hay và tận tuỵ với học trò, tụi tớ nhanh chóng mến cô, lúc đó có lẽ cô cũng chỉ mới chừng dưới 25 tuổi nhưng đã có nhiều tiếng xì xào cho rằng cô kén quá nên ..ế! Có dạo phòng ốc sao đó, lớp tớ phải học tạm một phòng ở bên ngoài (?) nên không đóng cửa lớp được hay sao đó mà có người để một bức thư trên bàn giáo viên, cô vô lớp đọc xong, thấy cô nghiêm mặt lại có vẻ giận lắm và dặn cả lớp lần sau phải vất những thứ đó đi! tớ đoán chắc có mấy anh chàng rỗi hơi chọc ghẹo cô thôi!
 Bạn bè trong lớp tớ chỉ còn nhớ có bạn thân tên Yến và một bạn mới về đây thì phải, tên Quỳnh Như, ba bạn này chắc là công chức cao cấp vì thấy nhà bạn là một căn nhà Tây của chính phủ cấp (như nhà DT vậy), bạn này có nhiều chị em gái mà người nào cũng lót chữ Quỳnh, tớ thích nhỏ này vì bạn rất dạn dĩ, ăn nói hoạt bát (chứ không rụt rè như phần lớn con gái nhỏ) và nhất là bạn đi xe đạp mà có thể thả tay, vừa nói chuyện, vừa vung tay diễn tả rất chì!!
 Trung thu, trường bắt mỗi học sinh phải làm một cái lồng đèn và lớp tập văn nghệ để ra sân vận động có tổ chức đón trung thu, có chấm điểm. Lúc đó tớ cứ ước gì mình có anh để làm lồng đèn cho tớ! nhưng rồi cả bọn cũng đi kiếm tre, về chẻ, vót lui cui làm lồng đèn ngôi sao, hồi đó chỉ có đèn kiểu này chứ làm gì có lồng đèn đủ kiểu như trong Chợ lớn làm bán. Ngôi sao thì đứa nào cũng giống nhau thôi, chỉ ăn thua là trang hoàng dán giấy lên sao cho độc đáo thôi! 
Tối đó đứa nào cũng diện áo đẹp nhất, cầm cái đèn lên tới nơi tập trung rồi mới thắp nến lên, đông vui khỏi nói, cái đèn của tớ nó chìm lỉm giữa một rừng đèn to, đẹp lộng lẫy! nhưng mà cũng không buồn gì vì mình cũng có được cái đèn sau cả tuần cặm cụi ..

 Mẹ đang có bầu em Quảng thì ông Ngoại bị xe tải tông ở QN, dì ba biết mẹ có bầu nên dấu không cho biết nhưng ông nội ra báo tin cho mẹ về thăm chứ ông Ngoại bị nặng sợ không qua khỏi. Chị Thuỳ mới 11 tuổi nhưng biết đi xe đò một mình vô Huế nhờ người bà con mua vé máy bay đi Quy Nhơn, đường sắt bị đặt mìn phá hoại tê liệt đã lâu, xe đò cũng nguy hiểm, chắc là vé máy bay cũng khó có liền! ( mẹ kể lúc đó bụng khá bự mà còn mang theo 12kg bột sắn và một bình lớn rượu dâu về làm quà nhưng ở Qn chưa ai biết xài bột này!) Chỉ có mấy người Bắc mới biết "cái quý giá" của nó!!
Xem em bé
 Sau đó chị Thuỳ kể là sáng hôm sau chị phải thi vô Đệ thất mà tối đó mẹ đau bụng, chị phải theo mẹ vô BV, sáng lật đật chạy về đi thi mà cứ nghĩ chắc phen này rớt quá! ngày có kết quả, người coi đông quá, chị ráng chen vô, rớt chiếc dép mới và thấy có tên, thứ 58, chị mừng quá, chạy về bỏ chiếc dép luôn! Hôm sau ba về thưởng chị chầu kem.
 Thời đó trừ Saigon ra, còn mỗi thị xã chỉ có 1, 2 trường trung học công lập và được đặt tên không trùng nhau nên chỉ nghe tên là có thể biêt là trường đó ở đâu như Thị xã Quảng trị là trường Nguyễn Hoàng, Huế có trường Quốc học (nam) và Đồng Khánh (nữ), Đà Nẵng: Phan chu Trinh, Quảng Ngãi: Trần Q Tuấn, Quy Nhơn :Cường Để, Nha Trang: Võ Tánh....
Mỗi nơi cũng có một con đường chính (phố chính) như ở Quy Nhơn là đường Gia Long.. Ở Quảng Tri và Huế là đường Trần Hưng Đạo. 
Chị Thuỳ có bạn là chị Thuỷ có cửa tiệm ở đường THĐ và một chị rất thân tên Cúc có tiệm sách. Tớ thích và ước ao mai mốt nhà mình mở tiêm sách, tha hồ đọc.


Nói chuyện sách tớ nhớ có thấy ba đem về một quyển có vẻ hơi lớn và giấy đẹp hơn mấy cuốn khác đó là cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tớ mở xem thì thấy trang đầu có giòng chữ rất đẹp: 
               Người đi một nữa hồn tôi mất
              Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ
 Có ký tên chủ nhân là Nguyễn Hữu Bài, tớ thắc mắc ghê lắm, không hiểu gì nhưng đoán chú này chắc có tâm sự buồn! Hai câu thơ của Hàn mặc Tử này nghe cứ buồn man mác!
Sau này nghe mẹ kể là chú Bài thất tình sao đó, rồi bịnh, đã đào ngũ rồi! ba giữ sách này làm kỷ niệm. Sau 75 cuốn này không còn, không biết nó đang lưu lạc chốn nào hay đã bị làm giấy gói xôi, gói bánh mì! nhiều khi tớ tưởng tượng cuốn sách này bị đem bán ve chai và có người quen hay con cháu chú Bài thấy được và  nó được tái ngộ chủ nhân! (như nhật kí ĐTT vậy mà). Dù gì, khi nhớ đến chuyện này, lòng cứ buâng khuâng!
  Ở QT lúc đó chỉ có 1 tiệm thuốc tây của 1 ông Tây (có vợ Việt) làm chủ . Sau đó nghe tin ông này bị Vc giết khi đi về Khe Sanh, có lẽ họ tưởng ông là người Mỹ chăng!? Dân chúng xôn xao vụ này dữ lắm, còn tớ, cứ chạy qua lại ngang nhà riêng của ông này để "xem xét tình hình!"
 Năm 63, ở Huế rất lộn xộn nhưng ở QT theo như tớ nhớ thì hình như không có biến động gì, dân ở đây theo công giáo nhiều,  chỉ có vài ngày giới nghiêm rồi sau đó sau cuộc đảo chánh mọi sự trở lại bình thường, chỉ thay Tỉnh trưởng thì phải!?

 Rồi ba nói cả nhà dọn vô Huế, lúc này đã là năm 1964 rồi.
 Hình như Tiểu đoàn của ba dời vô trong hay sao đó, đang giữa năm học, tớ đang học lớp Nhì còn chị Thuỳ học lớp Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng, cả nhà đi, chị Thuỳ phải ở lại học cho hết niên khoá, chị ở trọ nhà chị Thuỷ, thỉnh thoảng đi xe đò về nhà. 
Tớ phải nói lời chia tay với bạn bè trong lớp, buồn lắm nhưng không có lưu bút hay hình ảnh gì để làm kỷ niệm cả, cũng không biết hỏi địa chỉ để liên lạc nên từ đó tớ ..đứt đường tơ! Trừ bạn Xuân sau này gặp lại ở Quy Nhơn.
Cô Kính buồn lắm, cô tới nhà cho mẹ địa chỉ của cô, dặn khi nào ổn định mẹ nhớ gởi thơ cho cô biết địa chỉ ở Huế, cô hay vô Huế thăm bà con sẽ ghé nhà. Và cô có tới nhà thăm thiệt! lúc này tớ mới biết cô thương tớ lắm nhưng ngoài mặt thì vẫn như không!
 Đến bây giờ tớ vẫn hình dung ra cô với 2 bím tóc thắt con rít dài, gương mặt nghiêm nghi.Chắc sau này cô vô Huế, tớ mất liên lạc khi về QN vì mẹ không  viết thư cho cô nữa. 
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 Chuyện bên lề
Một vài thông tin về các địa danh đã ăn sâu vào đầu tớ

Lao Bảo (hiện nay)thị trấn nhỏ thuộc huyện biên giới Hướng Hóa, phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Từ thị xã Đông Hà theo đường Quốc Lộ 9A đi về hướng Nam Lào khoảng hơn 80 km sẽ đến Lao Bảo. Đây là một thị trấn tương đối sầm uất nhờ mậu dịch biên giới. Đây là một điểm quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Lao Bảo có dân số trên 30.000 người.( những năm 80, đây là điểm hàng lậu ồ ạt vào Vn từ Lào)
  Thung lũng A sao (A shau, a sầu) Khu căn cứ quân sự này đóng chốt bên một cửa ngõ của đường mòn Hồ Chí Minh, cạnh biên giới Lào, bao bọc chung quanh là các căn cứ cách mạng của Khu ủy Trị Thiên, các bản làng của đồng bào các dân tộc Kơ Tu, Pa Kô... nằm khuất dưới tán những khu rừng già.
A Lưới là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên-Huế, tiếp giáp với Lào ở phía Tây.
Về mặt giao thông, nó được nối với thành phố Huế bằng quốc lộ 49, là một quốc lộ rất hiểm trở có ba đèo cao và vực sâu, trong đó đèo Kim Quy dài 16 km.
A Lưới là mảnh đất có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu, Hoa...
Các địa danh được biết đến ở A Lưới trong Chiến tranh Việt Nam gồm: đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi A Bia (người Mỹ gọi là Hamburger Hill - đồi Thịt Băm, nơi xảy ra trận Đồi Thịt Băm)...
Dưới đây là lời của 1 bộ đội BV đã đóng quân ở đó:
 "Những khu rừng có hệ sinh thái ba tầng ấy chính là nơi chúng tôi đã sống thời chiến tranh, trong căn cứ của chiến khu A Lưới, đóng dưới tán những cây kiền kiền, chó, sao... cao ngút trời. 2/3 những cánh rừng nguyên sinh ấy đã bị tiêu hủy không còn dấu vết do bom đạn, nhất là chất độc da cam "

  Nói đến "Mùa hè đỏ lửa " Quảng Tri gắn với cái "Đại lộ kinh hoàng", có nhiều thông tin về vụ này trên net, ví dụ Ở đây

Noel 72, TT Thiệu khóc tại nhà thờ LV đổ nát
    ".. miền Bắc đã huy động rất nhiều tân binh cho trận quyết chiến này. Rất đông những người lính lên đường mùa hè 1972 ấy là những thanh niên ưu tú từ 30 trường đại học - cao đẳng của Hà Nội: gần 10.000 sinh viên và cả giảng viên trẻ. Hiện nay ở Nghĩa trang Trường Sơn, ở Thành cổ Quảng Trị có rất nhiều bia mộ của những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi rằng quê quán: Hà Nội - Năm sinh 1954 hay 1955."

 Thị xã QT, sau 72 đã thành bình địa không còn ai, bây giờ, thị xã Đông Hà là tỉnh lỵ.
 Vùng này hứng chịu nhiều bom đạn mất mát, đến giờ vẫn còn bom mìn sót lại, khí hậu thì khắc nghiệt, rừng bị tàn phá nhiều nên bão lũ triền miên..

..Vào mùa hè, mùa gió Lào (gió Foehn) khô khốc rát bỏng, cây cối héo khô, mùa mưa thì mưa dầm dề lạnh cóng..nên người ta mới gọi là nắng lửa mưa dầu, điều này càng tệ hơn khi rừng phía tây bị tàn phá nặng nề
 Mới biết thêm là sau biến cố 72, trường trung học NH cũng dời vào Đà nẵng, chắc dân chúng cũng tứ tán khắp nơi. Mới đây trong 1 lần đi Phan Rang dự đám cưới, chị Thuỳ khám phá ra rất nhiều người QT vô đây, họ nói năm 72,  Cha nhà thờ dẫn họ đạọ vào đây nương náu, hiện giờ đã hình thành một giáo xứ rất đông!


"Bây giờ cái tên Quảng Trị trở thành thương hiệu rồi, ngoài Nghĩa trang Quảng Trị, gió Lào Quảng Trị, bão Quảng Trị, lụt Quảng Trị... còn có Phân bón Bình Điền Quảng Trị, rượu Xika Quảng Trị, nuôi tôm sú vùng cát Quảng Trị, hồ tiêu Quảng Trị, đất học Quảng Trị, nhà báo Quảng Trị, ca sĩ Quảng Trị, đạo diễn Quảng Trị, Cửa Việt Quảng Trị, Cửa Tùng Quảng Trị, Cồn Cỏ Quảng Trị, hàng rào Mắc na ma ra Quảng Trị..".(copy trích đoạn 1 trang web của QT)
   
Đêm thương nhớ nhiều những kỷ niệm xưa
Sao vương vấn hoài tháng ngày tuổi ấu thơ.
Con sông nhỏ một thời tắm mát ơ ..... 

Những câu thơ trong 1 bài thơ viết về quê hương QT của nhà thơ Tạ Nghi Lễ, mới được biết ông này học trên chị Thuỳ 1 lớp và đang viết về những hồi ức ấu thơ thì đã đột ngột qua đời năm 2008! Tiếc thật! 
 VỀ
( Nhớ về Quảng trị) Thơ Tạ Nghi Lễ
Xin tạ lỗi cùng quê hương

Hai mươi năm chưa hề trở lại
Nợ áo cơm, dặm đường xa ngái
Lòng hẹn lòng tôi nhé,về quê


Tôi sẽ về tìm lại ấu thơ

Con sông nhỏ một thời tắm mát
Chiều thị xã, hương sầu đông thơm ngát
Tiếng ve khô cong ngọn gió Nam Lào


Tôi sẽ ngược đường Chín

Từ Đông hà ,Mộc Đức, Lâm Lang
Phiên chợ huyện, ngày xưa Cam Lộ
Ấu thơ tôi mê mãi đi tìm


Tôi sẽ xuôi  dòng sông Hiếu

Về Lâm Xuân, Nhĩ Hạ, Gio Linh
Đêm sóng biển , rạt rào bất tận
Não lòng người "..Ăn nửa trái sim ''


Tôi về với trăng đêm cầu An Lạc

Mối tình đầu tôi đã đánh rơi
Em giờ cuối chân trời trôi dạt
Trong đục nào, em chạnh nhớ đến tôi


Tôi sẽ về ăn nem chợ Sãi

Món quê hương thèm đến nao lòng
Mùa lũ lụt, hương rằm tháng bảy
Thạch Hãn đôi bờ ,sóng nước mênh mông


Tôi sẽ về ngã ba Long Hưng

Trăng mát lạnh một trời tỉnh lỵ
Tôi, chú bé, ngày xưa trọ học
Phượng rụng vai người xao xác mùa thi


Tôi sẽ về La Vang

Nghe chuông đổ đôi bờ nhật nguyệt
Tiếng cầu kinh trầm buồn tha thiết
Ai như tôi , đi giữa cõi vô cùng


Tôi sẽ về thăm

Về thăm tất cả
Từ bờ tre, giếng nước, ao làng
Ai cũng có một thời tâm tưởng
Suối nguồn nào cũng trở lại với dòng sông

                                    1995

................................................
Đọc bài thơ này, nhớ nhiều thứ, cây sầu đông..