Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Những năm Trung học Đệ nhất cấp

   Mấy hôm nay, đọc những kỷ niêm về thầy cô làm mình cũng muốn nhớ lại cho vui.

  Thi đậu vô Đệ Thất rồi, đứa nào đứa nấy như trút hết gánh nặng bấy lâu, lòng hân hoan vô kể, thế là từ nay ta đã là nữ sinh trường Nữ trung học rồi đấy! oai ra phết! Có điều hơi buồn là mấy bạn ngày ngày rủ mình đi học lò Hai Ngô rớt khá nhiều: nhỏ Hồng gần nhà, Nhạn, Tuyết, Hoài Xuân, Yến, Thuỷ..tiếc quá, bấy lâu đi chung mỗi ngày đã thành thân thiết Nhưng rồi con nít cũng không buồn lâu, ngày ngày lại gặp mấy bạn thi đậu để lo hồ sơ vào trường. Tớ còn nhớ phải coi tiệm, trưa trưa mới chạy tới nhà Thuận (Gia phước ) chơi, có gì mới thì nó bày cho làm như phải đi chup hình khác để làm hồ sơ nhập học chứ cái hình chụp lúc làm hồ sơ thi họ không chịu, đòi phải có hình mặc áo dài trắng kia! chưa đứa nào có áo dài cả, may sao Việt Hoa kiếm đâu ra được mấy cái, cả bọn kéo nhau lên tiêm Bác Ái chụp (tớ không biết tại sao không chụp tiệm Trần Đức Cầu cho gần, ngay trước nhà Thuận). Lần đầu tròng cái áo dài vào, cái cổ áo nó cao và cứng đụng cái cằm muốn nghẹt thở! lại thêm chưa quen mặc áo chật như vậy bao giờ nên tớ thấy khó chịu quá, chụp xong là cởi lẹ ra liền! và nhủ thầm, kỳ này may áo sẽ dặn thợ may cho kỹ chứ không mặc kiểu này có nước ..chết!!
cái mặt bánh bèo
  Thích quá, mẹ mua vải phin để may áo dài, quần thì bằng vải xá xị, ở nhà may được khỏi đưa thợ, áo dài định  đưa cho anh Tính chị Hoa may nhưng chỗ này lâu nay chuyên môn ngâm dấm, tớ bàn ra liền. mẹ dẫn qua bác Dương Tri gần nhà, bác này may đồ Âu phục nam, nhưng có chị con gái may áo dài, "tiệm" chỉ là 1 góc nhà khiêm tốn thôi. Hồi đó tiệm Cát Long gần nhà tớ là tiệm chuyên may áo dài, nổi tiếng nhất QN. nhưng mấy bà mấy cô mới may ở đó chứ mình là con nít ranh mà cần gì eo iếc! Aó dài thời đó (1966) cổ thật cao và chít eo rất sát, bên trong còn có sợi vải nhỏ xíu bó eo nữa, tớ thấy mấy cái áo dài của mẹ mà khiếp!   Nhớ lại sự khổ sở lúc chụp hình, tớ dặn đi dặn lại chị thợ may là nhớ may rộng, cổ thấp, không bó eo, vạt không dài...xong về nhà trông ngóng đến ngày lấy áo!
 Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tớ nhắm trừ hao chắc 1 tuần là áo may xong rồi vì tiệm đâu có khách nhiều như anh Tính, tớ giả bộ đi ngang liếc thử coi cái áo đã được treo lên chưa, không thấy gì, chắc chưa xong rồi! thôi để hồi nào xong chị ấy sẽ gọi chứ lo gì! Nhưng lòng cứ háo hức không yên, ngày nào tớ cũng đi ngang qua xem tình hình thế nào chứ không dám bước vô hỏi! sốt ruột quá, nói mẹ qua hối nhưng cũng chả khá hơn, rầu ghê! Cuối cùng cũng có được cái áo dài đầu tiên trong đời, khỏi nói, vui lắm, rồi không biết khi nào thì thêu tên trường lên áo, có một hoa thị * bên dưới cho biết là lớp Đệ thất..
 Rồi cứ trông cho mau tới ngày khai giảng để được xỏ cái áo mới, háo hức muốn biết bao điều mới lạ đang chờ đón . Trong lúc đó cũng có học thêm (vẫn ở lò Hai Ngô) mấy môn mới cho biết như Anh Văn, Lý hoá...

 Mới vô lớp Đệ Thất 2, chưa có đứa nào dám hó hé, bắt đầu làm quen, kết bạn mới rồi sau đó mới ngưu tầm ngưu mã tầm mã!
 Cô Độ dạy toán, buổi đầu mấy đứa quen nhau ngồi túm tụm gần nhau, cô sắp xếp lại cho hợp lí, trò nào cao thì ra phía sau, nhỏ phía trước, nhờ vậy mới quen nhiều bạn mới, tớ ngồi cùng bàn với Ai Ngâu và Thanh Trước. (Tớ không nhớ ai là Giáo sư hướng dẫn, tưởng là cô Độ nhưng Bông nói cô Độ là Gs hướng dẫn năm Đệ Lục)
 Môn Toán là môn khó lòng dạy cho hào hứng được, nhất là học trò đều là con gái! nó khô khan mà cô Độ thì nói nhỏ...nên đứa nào ngoan thì ráng căng mắt nghe cô giảng, riêng tớ thì nhiều khi buồn ngủ quá, ngó ra cửa sổ ngắm sân trường với hai hàng dương liễu nên thơ, biển xanh xa xa  với mây bay, bầu trời..cũng xanh xanh! Hình học còn đỡ, trời ơi cái môn đại số chán thật, gì mà cứ cọng, cọng, trừ trừ, rồi âm dương x,y...rối ren quá, tớ chả biết đằng nào mà lần, tuy thấy rất đơn giản có gì đâu, chỉ cọng và trừ thôi mà sao lúc nào tớ làm xong thì cái đáp số nó cũng không giống mấy bạn khác!  Nhưng mà may (hay rủi!) quá xá là cô Độ có điều đặc biệt  (mà tớ mau chóng tận dụng liền): cô hầu như chỉ kêu lên bảng trả bài (lúc đầu giờ) 2,3 bạn thật kém thôi! Có lẽ ý cô muốn mấy bạn này phải lo cố gắng hơn nữa, nhưng chắc cô không biết là mấy đứa lười như tớ sẽ an tâm mà..lười!!  hihi...
 Ái Ngâu hay nói hình như mấy lớp hoc sinh ngữ chính là Pháp văn thường ngoan hiền hơn mấy lớp Anh văn! không biết có đúng không nhưng với lứa tụi mình và lớp trên của Hoa ST thì có lẽ đúng vậy. Tuy nhiên tớ thấy lớp Thất 3 có nhiều tay quậy hơn Thất 2 tụi mình.
 Bắt đầu học trung học có nhiều cái mới nên háo hức lắm, nhất là được học mỗi môn một thầy, ít ra nếu gặp trúng người mình "kị" thì cũng không phải gặp hoài!!

 Việt văn do cô Hồng Vân dạy, môn này đáng lẽ phải là môn tạo sự thích thú cho học sinh vì giáo sư có thể tha hồ giảng..nhưng chắc cô hồi đó có con mọn phải vất vả hay sao mà cô chả có hứng thú giảng bài, lại hay ngáp (chắc con hành thức đêm) nên tụi mình mới đặt cô là bà cô ngáp! Giờ nghĩ lại cũng thông cảm cho cô, chuyện nhà bận bịu mà tới lớp thì cứ bấy nhiêu bài, nhai đi nhai lại cũng chán! khó mà hứng thú được. Bây giờ tớ chỉ còn nhớ bài Thằng Bờm cô dạy năm đó (có cái quạt mo mà Phú ông phải đổi đủ thứ!) và nhớ Toán 1 của Ngọc Bông thuyết trình truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng được điểm rất cao, Toán 2 của tớ và Ai Ngâu thuyết trình truyện gì quên mất rồi, tớ chỉ còn nhớ lúc đó khổ sở vì chuyện này lắm, phải suy nghĩ, vấn kế người lớn xem nên lựa tác phẩm nào, rồi làm sao biên soạn và nhất là đứa nào dám xâm mình lên bảng thuyết trình!? (Từ đó nghe 2 tiếng thuyết trình là tớ sợ lắm!)
 Cô HV cũng có bày ra một chuyện mà đến giờ tớ thấy rất hay là cô nói lớp thành lập 1 tủ sách, mỗi bạn chỉ cần đem đến góp một cuốn là tủ sách sẽ có mấy chục cuốn sách, trao đổi nhau đọc, tiếc là sau đó hình như tủ sách này không còn tiếp tục và năm sau cô HV không còn dạy lớp mình nữa. Hình như Thầy Nhự rồi thầy Tú! Không biết có thầy Dật không, chỉ nhớ lúc đầu thày Dật dạy đỡ môn Anh văn.
 Ông Thầy Nhự(?) tớ nhớ khôngbiết đúng không, là một người đã có tuổi rồi, ốm, hiền, ít nói, hình như làm việc ở văn phòng nhiều hơn là lên lớp(?). Tớ chỉ nhớ không biết năm nào thầy dạy môn Việt văn, cho học mấy bài thơ của nhà thơ Thanh Tịnh rất hay mà buồn, tớ chỉ còn nhớ hai câu đầu:
                                     -- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
                                         Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Và hai câu cuối:
                                 -- Ngựa hồng đã đến bên yên,
                                     Chị ơi trên ngựa chiếc yên ... vắng người
 Bây giờ biết nó là bài Mòn mỏi (cám ơn Google!)
 Các bạn biết không, lúc đó sao tớ cứ hình dung nhà văn Thanh Tịnh cũng già, ốm, cặm cụi như thầy này vậy đó!
 Hình như thày có dạy Sử hay sao mà tớ nhớ thầy thường viết bài lên kín bảng, chữ nhỏ. Thầy cắm cúi viết, đâu có ngó gì dưới này. Tớ làm biếng quá, chui xuống gầm bàn chơi, định sẽ mượn vở chép sau, ai dè, lâu ngày, bài nhiều quá, chép muốn gãy tay! cũng tại vì thầy này không bao giờ dò bài, chỉ có cuối tháng thầy phát cho mỗi đứa 1 mảnh giấy đánh máy câu hỏi khác nhau, cứ thế mà làm, khỏi copy được! (cũng hay nhỉ!)
  Năm sau học VV với thầy Tú, thầy này giảng thì hăng say nhưng mà sao tớ không thích lắm, vì giờ thầy không thoải mái, rét rét thế nào! 
 Cô Ngọc Anh dạy lý hoá, cô này đẹp quá là đẹp, tóc bới cao sang trọng, giọng nói ngọt ngào, cả lớp cứ nhìn cô giảng bài say sưa, cô còn hay kể chuyện nữa và cô cũng rất thân tình  như tớ nhớ có lần một bạn lên trả bài nhưng chắc do căng thẳng quá nên bạn bẻ tay liên tục, cô nói em bình tĩnh, con gái đừng có bẻ tay như thế, tay sẽ bị xấu đi!  Tớ còn nhớ cô hay nói nghề giáo bạc bẽo lắm, như  người đưa đò cho khách qua sông vậy! học trò rồi tiến lên nhưng thầy cô thì cứ đứng lại ở đó!!
 (Bây giờ vẫn còn nhớ câu chuyện về di truyền cô kể: gia đình có 6 ngón tay...Đứa con da đen...).
 Nhưng rồi không được học cô lâu, cô phải sanh con, cô sanh năm một và sau này cô còn ra ứng cử hội đồng tỉnh nữa nên lớp mình không còn học cô lần nào  nữa, tuy nhiên lâu lâu vẫn thấy cô xuất hiện, lúc đó ai cũng ngắm cô suýt xoa. Dịp trường cắm trại hay có hội hè, cô đảm trách gian hàng nấu ăn, nghe nói cô nấu ăn khéo lắm, có lần ngày cuối năm, cả trường nghỉ rồi, tớ có việc gì đó phải đến trường, thấy cô đi xích lô chở theo xôi chè hay bún bò gì đó do cô nấu để trường cúng tất niên thì phải.
 (Sau 75, cô phải đi học tập và gia đình cô rất đông con sau đó hình như bị mất hết khi đi vượt biên, nhưng Thầy Minh chồng cô rất giỏi, xoay sở đủ nghề, có dạo hai vợ chồng thầy tờ mờ sáng là đã có mặt ở chợ trời Tân Định rồi, sau đó thấy tẩm ướp thuốc lá bỏ mối (mẹ tớ cũng lấy hàng này, bán cho mấy người hút pip) cô có cho nhà tớ món tôm chua cô làm rất ngon, đặc biệt thời điểm khổ cực đó, tớ thấy cô vẫn rất đẹp, ở cái thế giới vỉa hè đó nhưng thầy cô vẫn giữ cái phong cách rất ...giáo sư không chợ trời bát nháo tí nào..Sau này thầy cô sản xuất bút bi, là ngành rất mới thời điểm đó và khá lên, báo Tuổi trẻ có nhắc đến.)

 Anh văn thiếu giáo sư nên Thầy Dật (chuyên về việt văn) phải dạy tạm AV lớp tớ, nhưng cũng không được lâu thì phải, hình như thầy phải nhập ngũ (?) Hình như cả trường lúc đó chỉ có Thầy Kha là GS Anh văn thôi và thầy phải phụ trách mấy lớp lớn.
 Có lúc có 1 ông thầy mà tớ quên tên rồi (Phượng nói tên Cẩn), ở trường Bồ Đề qua dạy AV , ông này đeo kính, dạy rất hay, nhưng cũng không bao lâu thì cũng..biến mất!  Tớ chỉ còn nhớ thầy này dạy hát bài Clementine rất hay.
 Lại có một cô người Mỹ là Thanh niên Chí Nguyện có dạy thêm ít giờ trong tuần. Cô này dạy kiểu Mỹ, nghĩa là có thí dụ bằng hiện vật (như dạy về giờ giấc thì cô cầm cái đồng hồ lớn mà hỏi, đáp),vẽ hình minh họa trên bảng mà đến cuối giờ tớ rất tiếc khi phải xóa đi!  Nhưng cô này cứ hay đi công tác mấy tỉnh nên cũng nghỉ hoài!! (Lần đầu tiên tớ thấy có người có những đốm tàn nhang thật to ở sau lưng)
 Thầy Nhiệm dạy AV đệ lục thì phải, ông này nhỏ con cũng người Huế mà hình như không phải Gs chính hiệu, chỉ dạy hợp đồng(?), ông này không dạy theo sách giáo khoa thông thường là EFT mà biểu lớp phải mua 1 cuốn sách dạy AV của Pháp(!) mà cả QN không ai bán, ông này mua ở đâu đó để lại cho mỗi toán 1 cuốn thì phải! Tớ chỉ còn nhớ là rất ghét ông này, thế thôi, không nhớ vì lí do gì!! cứ mong cho có người khác thế cho rồi!
  Vạn vật cô Tùng dạy suốt mấy năm luôn, môn này thật ra thì rất hay vì mình sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị ở thế giới xung quanh ta nhưng cách dạy lúc đó rất từ chương, bắt học trò phải học thuộc lòng và phải vẽ lại những hình đã có trong sách nên cũng ngán!
 (Tớ vẫn không hiểu sao lại cứ bắt hs phải vẽ lại những hình trong sách giáo khoa vào vở trong khi điều cần thiết là hs có thấy điều gì đáng nhớ ở đó! Lý Hoá cũng vậy, học môn này mà trường chả có lấy một dụng cụ gì để minh hoạ cho bài học cả chứ đừng nói chi đến phòng thí nghiệm, học hoá học mà tụi mình chỉ biết mấy cái ống nghiệm, mấy cái thí nghiệm qua hình vẽ trong sách, rồi phải vẽ lại y chang như thế mà nhiều khi không biết cái đường chấm chấm(.....).nó biểu hiện cho cái gì!  cái kính hiển vi thì phải vẽ lại mà ngắm cho biết chứ có thấy nó ra sao!!(bây giờ người ta gọi là học chay). Tới khi học thầy Sơn mới có mấy cái mô hình do thầy tự làm!
  Sau này có dịp tiếp xúc với những dụng cụ đó để làm bài tại chỗ, tớ chẳng lạ khi thấy nhiều bạn nhúng cái hàn thử biểu ngược đầu! Kính hiển vi thì chả biết sử dụng thế nào, đề bài là Vẽ hình hoa phượng  những chi tiết hoa dưới kính hiển vi, tớ nhìn tới nhìn lui, vặn xoay đủ kiểu cũng không thấy gì để vẽ ra như trong sách, có bạn sáng ý nói trong sách có đủ, coi theo đó mà vẽ. Thế là đứa nào soi kính hiển vi hoa nào cũng ra hình giống nhau!!(chắc ông thầy cười té ghế!)

 Giờ Thể Dục của Thầy Du giống như đi chơi thôi, hôm nào có giờ TD thì sáng sớm tới trường, xếp hàng ở sân rồi quơ tay quơ chân theo tiếng tu huýt của thầy, môn này chỉ có một kiểu tính điểm là cứ 4 đứa chạy 1 lúc, rồi cho điểm theo thứ tự, lúc đầu còn nghiêm chỉnh cố sức chạy, sau đó tụi nhỏ ranh liên kết với nhau, tới đích cùng lúc để cùng có được điểm cao!! Môn này thích nhất là cả buổi hôm đó khỏi mặc áo dài, tha hồ u mọi, giựt cờ, nhảy dây..
  Môn Âm nhạc do thầy Xứng dạy, thầy này hiền ơi là hiền, lại thêm cái môn này có gì mà căng thẳng chứ! cứ Đồ Rê Mi, nốt trắng đen dễ ẹt, lại khỏi phải làm bài tập về nhà, mỗi tuần lại được thầy dạy hát một bài mới, thích ghê!
  Giờ Nữ công của cô Nhĩ cũng khá nhàn, cô dạy cách làm tỉ mỉ rồi về nhà làm, môn này tớ không ghét cũng không thích vì nhiều thứ phải mất thì giờ lắm, nhất là dịp Tết có màn thêu khăn mù-soa tặng chiến sĩ!, lúc nào tớ cũng bị ít điểm vì ..làm lấy lệ cho xong, có khi năn nỉ bà chị thêu dùm cho đẹp..
 Môn hội hoạ lúc đầu thấy có một thầy hình như là thầy Trị thì phải, ai cũng mua một hộp màu nước rồi tô theo bài thầy ra, cái màu trắng thường bị hết trước, thầy có bày cách làm màu này để xài thêm, hình như ra tiệm mua bột màu rồi về hoà với keo hay gì đó quên rồi. Đâu được một thời gian thì thầy bị đi lính nên thầy Xứng phải dạy thế (bất đắc dĩ) chứ không thấy ai về thay cả! Thầy Xứng đâu có rành môn này nên thường cho đề tài vẽ tự do  đứa nào muốn vẽ vời gì đó, tha hồ, mà thầy chấm điểm cũng..tự do luôn!
 Mấy môn này là môn phụ của Đệ nhất cấp nên cũng chả quan trọng lắm.

Năm nào trường cũng tổ chức thi văn nghệ nên mỗi lớp phải có một tiết mục. Tớ còn nhớ hình như lớp mình có màn múa mọi thì phải, trưởng ban dzăn nghệ là ai nhỉ? tớ không nhớ nhưng chắc là mệt lắm vì phải lo tập luyện, rồi phải kiếm áo quần cho "diễn viên"...(Ban này thì không có tớ rồi! tớ chỉ thích xem thôi, lên sân khấu là bị bể dĩa liền đó!)
 Năm Đệ Lục thì phải, màn văn nghệ lớp mình rất thành công (bằng chứng là đến bây giờ nhiều người khác lớp vẫn còn nhớ Ngựa phi ngựa phi đường xa do Ngọc Bông và Minh Hiền múa, Ngọc Bông mặc áo tứ thân màu nâu, đầu bịt khăn như người Bắc còn Minh Hiền thì mặc áo dài đen khăn đóng, cầm ô cũng đen! Tụi nó múa coi nhí nhảnh dễ thương lắm! (Tớ vẫn nhớ lúc đầu Bông mặc 1 cái áo dài bông màu xanh cũng xinh rồi sau đó cô Độ mượn đâu được cái áo tứ thân rất hạp!)
nữ thập tam
  Cũng năm Đệ Ngũ (niên khoá 68-69) tụi mình (Ngũ 2, Ngũ 3) được học Anh Văn với thầy Phương. Thầy Sơn và thầy Bút cũng mới ra trường từ Huế về. Khỏi nói, lớp nào cũng chọc thầy Sơn, lớp mình cũng không khác, tớ nhớ rõ, giờ đầu tiên của Thầy ở lớp mình, hôm đó hình như trời mưa, tụi nó đóng cửa lớn, rồi sẵn cái cửa khó mở, cả lớp bảo nhau đừng mở! Thầy mở cửa không được nên tới chỗ cửa sổ nhìn vào ...Trưởng lớp ĐSP định chạy lên mở nhưng cả lớp không cho, la lên rằng cửa bị hư rồi! Nhìn bộ dạng thầy Sơn lúc đó đứa nào cũng tức cười nhưng cố ráng không cười to..Giờ nghĩ lại thấy thương thầy quá! thầy vẫn nhẫn nại đứng cười cười chứ trúng thầy Tú thì..hét ra lửa!!
 Sau đó không biết năm nào, trong giờ Việt văn thầy Tú thông báo "trường mình sắp có hai giáo sư từ trong Nam về, hai ông này đô con lắm!  Quả thật hai ông này là thầy Tuyển dạy Toán và thầy Phát dạy sử địa rất đô con, người nào người nấy như ông Hộ Pháp trông rất khác với mấy thầy trước, lại không nói giọng Huế!
Lúc đó ngoại trừ thầy Xứng và cô Nhĩ, còn thầy cô nào cũng nói giọng Huế cả vì có lẽ từ trường ĐHSP Huế ra. Hai GS này không phải mới ra trường và không còn trẻ nên chả ai thấy lớp nào chọc ghẹo gì!
 Những năm trước đó tớ thường hay phàn nàn rằng trường mình sao thiếu giáo sư quá, mấy lớp đệ nhị cấp thường phải mời mấy thầy bên CĐ qua dạy thêm, nay bắt đầu có thêm Gs về trường nhưng tớ cũng vẫn ganh tỵ vì nghe tiếng mấy thầy bên CĐ dạy rất hay như thầy Quang, thầy Tấn, Thầy Bé, thầy Tùng, thầy Giác, thầy Trác, thầy Khanh..là những thầy rất nỗi tiếng về mấy môn chính...
Có nhiều khi cô Độ bị đau thầy Độ chồng cô qua dạy thế, thích ghê, thầy dạy hay và vui lắm!
 (Sắp tới tớ sẽ kể những chuyện khó quên mà tớ biết)

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Sự nghiệp may của tớ

 Tớ đi may
 Các bạn có thể ngạc nhiên sao tớ lại nói là Đi may !
vì việc tớ làm thì đúng là ngồi may thật nhưng vì tớ chưa may rành nên không phải là thợ may mà nếu gọi là công nhân may thì cũng không đúng, nên cứ gọi công việc này là đi may vậy!
 Những ngày sau biến cố 75, chạy vào SG, tớ không thể đi học tiếp hay xin đi làm công nhân viên cho có một chỗ vững chắc để hưởng tiêu chuẩn thực phẩm, mà nếu không có việc làm theo đúng nghĩa của nhà nước ta thì coi như vô công rồi nghề phải đi KTM mà tăng gia sản xuất hay đi làm thuỷ lợi cho ích nước lợi nhà!
 Tớ đang rầu không biết làm gì vì xuống đường buôn bán chợ trời thì không đủ bản lãnh, may quá, có bà hàng xóm qua rủ tham gia Tổ hợp may, cách nhà có mấy căn, cũng tiện vì có thể coi chừng nhà mà bà này còn "dụ" rằng dễ lắm, may theo dây chuyền, mỗi người may một thứ thôi nên ai may cũng được, chỉ cần có máy may.
 Tổ may này đặt tại nhà bà đó luôn, nhà rất hẹp và khá đông người vì bà con cách mạng của bà này mới đi tập kết về chưa có nhà nên tạm thời ở đó! Chỉ mới có 4, 5 người đều trong xóm cả, thêm một người bà con của bà Tổ trưởng ở Thị Nghè, trụ cột là một ông thợ may chính hiệu mà em bà này trước đây hay may đồ, ông này tên Khang có một chân giả và có vẻ rất giỏi nghề nhưng hiện thất nghiệp vì thời điểm đó, ai có lòng dạ nào mà may mặc! (người ta còn đem bán quần áo dần để ăn!).
 Bắt đầu làm việc, hàng phải đi qua bên Nhà Bè lãnh lại của công ty Tocontap.
Thấy mấy kiện hàng mà phát ớn: Hàng nghe nói là quần áo bảo hộ lao động của Liên Xô, tớ thấy từng kiện lớn đã được cắt sẵn, bó thành từng khối riêng, nào là thân trước, thân sau, tay áo, manchett, cổ áo, lưng quần, túi...đủ thứ linh tinh. Chỉ may cũng được phát theo kí lô..vải kaki màu olive do VN dệt và màu sắc không đồng đều, có lẽ mỗi cây vải mỗi sắc khác nhau, điều này nếu may ít thì chả đáng quan tâm nhưng khi người ta cắt 1 lần 150 lớp thì..rắc rối lắm! phải ráp đúng lớp nào với lớp đó, lộn 1 lớp là coi như lộn hết cả đám!
 Cả bọn bắt đầu làm quen với công việc khá lạ lẫm này, chú thợ may chính hiệu (cho lãnh chức Kỹ thuật) cũng phải nghiên cứu văn bản kèm theo chứ hồi nào giờ có ai biết may kiểu dây chuyền này đâu!
 Và việc đầu tiên là ông kỹ thuật phải may một bộ đồ mẫu trước, đem qua công ty duyệt rồi mới về chỉ lại cho tổ viên. Mấy hôm sau có 1 kỹ thuật viên của Tocontap xuống coi tình hình, bà tổ trưởng có vẻ hơi quê vì tổ hợp còn ít người quá, ráng nói ba điều bốn chuyện cho xong.
 Tớ đã biết may vá chút đỉnh ở nhà rồi nhưng gặp hàng này cũng như mới bắt đầu học việc!
Trước hết phải thay kim máy loại lớn, vô dầu cho máy êm rồi đạp thử để điều chỉnh theo cỡ: chỉ xanh bên trong thì 6 mũi 1 phân, chỉ vàng viền thì thưa hơn, 4 mũi 1 phân..(hàng may theo kiểu đồ Jean, có 2 đường viền song song cuốn lá ba) Kéo thì phải xài kéo lớn vì vải dày.
Tớ chưa may cái kiểu cuốn lá ba  này bao giờ nên cũng toát mồ hôi đánh vật với nó, vừa may vừa run vì là hàng thật chứ đâu phải vải vụn để mình tập đâu! Khỏi nói, may hai đường song song không đều thì phải tháo ra may lại chứ nó nổi bật thấy rõ khuyết điểm liền! (Bây giờ người ta may máy công nghiệp 2 kim thẳng ro đều tăm tắp)
 Khổ nhất là chuyện so le, vì họ cắt đến 150 lớp nên chỉ có mấy lớp đầu còn được, mấy lớp sau phải xén lại chứ không thể nào ráp được, mất công vô cùng, nhất là vì vải dày nên cái ngón kế út cầm kéo nó sưng lên rồi chai một cục!
 Mỗi người ráp một, hai thứ chứ không may nguyên áo hay quần nhưng lúc đó còn ít người nên ai cũng phải học làm nhiều khâu. Tớ cũng ráng lắm vì nghĩ chuyện này mà làm không xong nữa có nước đi Thanh niên xung phong! Tớ nhà gần nên đem về nhà tối làm thêm, làm cho kịp người khâu sau.

  Cứ đạp rồi tháo riết cũng quen tay, tháo cũng không phải dễ nha! phải có kinh nghiêm thì tháo mới mau và không làm hư sản phẩm. May thì đã lọng cọng mà tháo còn lâu hơn nhiều, phải nhặt chỉ vụn cho sạch sẽ nữa, người nào làm ẩu thì sau đó may lại khó khăn.
 Vì may ăn theo sản phẩm nên ai cũng cố làm cho lẹ, nhiều người làm ẩu lắm, cứ đạp cho cố rồi nhiều khi so le hay méo sẹo cũng mặc kệ.. Cái chuyện này gây rắc rối không ít vì mấy người làm ăn cẩn thận tỉ mỉ thì cũng chỉ tính tiền chừng đó thôi, nên đâm ra nản!
 Tiền công thì công ty tính giá nguyên bộ sản phẩm, về tổ hợp thì tùy, muốn tính sao đó thì tính!  Ông kỹ thuật ngồi vò đầu tính tiền từng khâu:: nào là manchett, cổ áo, túi áo, nách, lai, lưng  v.v...phải so đi tính lại muốn điên đầu vì ai cũng thấy khâu mình làm khó khăn, muốn được tính nhiều hơn...Khỏi nói chuyện này gây tranh cãi ì xèo!!
  Quần thì may theo dạng quần jean nhưng không có dây kéo mà phải làm nút gài! ai cũng tức cười vì đến thời điểm đó ở miền nam ai mà may như vậy! Vậy chắc tụi Liên Sô này quê lắm ta ơi!! Mà lúc đó khuy máy còn xa lạ nên phải làm khuy tay, tổ hợp có 2 người làm khuy nhưng hình như mới biết làm khuy đồ nhà thôi nên không đẹp, ông kỹ thuật phải than trời nói khuy gì mà như mắt chó ghẻ!!  (tớ cũng thấy như vậy, và cũng học được cách làm khuy chứ theo kiểu cô Nhĩ thì chỉ để làm đồ nhà thôi!)
 May hoàn tất thì gia đình bà tổ trưởng lãnh phần ủi, vô bao, gói ghém. Bà này cũng đảm nhiệm phần vắt sổ, cái máy vắt sổ xỏ chỉ thật khó, mỗi lần bị sút phải xỏ lại thì ông chồng bả phải ra tay chứ không ai biết xỏ! lại thêm máy này có con dao bén ngọt, vắt tới đâu xén tới đó, không khéo là phạm vô thì nguy.
 Rồi cũng xong được lô hàng đầu tiên, nhìn cái nào cái nấy ủi lên cũng ..giống áo, giống quần!
 Bà Tổ trưởng chở đi giao, cả tổ hồi hộp không biết có bao nhiêu cái đi lọt! nhưng vẫn tiếp tục công việc (hàng nhiều lắm!)
 Không biết mấy ngày thì có kết quả, người ta kêu qua đem đồ về sửa! hình như khá nhiều. Tớ và 1 chị nữa đạp xe đạp chở bà Tổ trưởng đi qua tuốt bên Nhà bè để tải về. Đi thì cũng khá xa nhưng không sao, tới hồi về mới ngán, trời nắng mà ba dì cháu đẩy bộ lên cầu Tân Thuận toát mồ hôi chứ cầu này cao quá đạp không nổi, dọc đường khi ấy sao chả có một xe nước mía nào!  Về tới nhà hết hơi, nguyên ngày hôm sau tớ không may nổi!
  Rồi cả tổ soạn đống đồ đó ra xem do lỗi khâu nào của ai thì người đó sửa! Nhưng mà kẹt cái, nếu người nào bị nhiều quá thì không thể sửa 1 mình mà cả tổ phải phụ cho mau đặng lãnh tiền chứ!
  Đó là đợt đầu tiên, sau này tổ hợp phát triển có nhiều thợ và công việc cũng đã đi vào nền nếp thì năng suất có tăng lên đáng kể, lúc này thì lại nãy sinh kèn cựa, so bì..Nhiều người may ào ào, rất ẩu và dĩ nhiên sai sót cũng nhiều! Có đợt bị sửa nhiều quá, phải ngưng làm để xúm nhau sửa.  Những người làm cẩn thận như mấy bác lớn tuổi thì dĩ nhiên năng suất ít mà phải sửa cho mấy đứa thanh niên ẩu, lảnh tiền nhiều hơn nên không khỏi càm ràm bất mãn!
 Hàng phải giao được 1 số lượng nào đó thì mới được thanh toán tiền và được mua gạo, nhu yếu phẩm (vì đã cắt khỏi hộ gia đình) nên lúc nào cũng phải đạp, đạp đạp...(làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm).
Lúc đó sao ai cũng khỏe re, ra sức đạp chết bỏ mà chả thấy đau ốm gì. Mấy người lớn cứ khuyên làm kiểu này về già đau lưng lắm đó! Nhưng tụi trẻ coi như pha, cứ đạp liên hồi...
 Hàng thì chỉ có 1 kiểu như thế nên cũng khỏe, khỏi mắc công làm quen cái mới, nhưng vì thế mà ..không thành thợ được, thợ cũng lụt nghề luôn!
 Cứ làm như thế mấy năm thì có lẽ mấy bạn Liên Sô đâm ra chán kiểu đó hay sao mà thấy công ty cho lãnh kiểu khác, lần này bằng vải Jean chắc do VN dệt nhuộm vì vải hồ cứng như mo cau và màu thì cũng tá lả, mỗi chiều khi chấm dứt 1 ngày thì tay ai cũng xanh lè vì vải lem ra, cực nhất là hàng số nhỏ mà may đường giàng quần, nghĩa là phải vừa chui vừa dằn ra may rất mỏi tay, chui xong một mớ giàng này mới ráp đáy được, đáy quần cũng quấn lá ba mà vải xéo nên ai non tay thì không làm được! Cái đáy này tụi KCS kiểm kỹ lắm.
 (Tớ thấy quần Jean bây giờ người ta may bằng máy công nghiệp rất khỏe, đường giàng hay đáy không quấn lá ba mà chỉ ráp bình thường xong may chặn lên 2 đường viền thôi, vừa khỏe, vừa đẹp hơn nhiều!)
 Cái đợt hàng vải Jean này cũng khá nhiều, tay ai cũng sưng lên vì cầm kéo gọt vải dày quá, còn kim máy thì khỏi nói , gãy lia lịa, ông thợ may cũng bày tiết kiệm bằng cánh lấy kim ra mài cho mũi bớt cùn! mài được vài lần thì nó ngắn không ăn chỉ nữa, phải bỏ đi! Kim và dầu máy phải qua xí nghiệp mua mới có! (nhớ lại hồi đó ai cũng bị kim đâm vô tay thường xuyên! vì có những chỗ giao nhau của 2 đường lá ba thì tới 6 lớp vải, dày quá phải lấy đèn sáp thoa vào rồi lấy cán kéo gõ xuống!)
 Rồi có lúc may áo quần bộ đội, khỏi cần viền nhưng kiểu quần thì rắc rối vì phải mổ túi, hơi khó, nhưng nhờ vậy mà tớ biết thêm nhiều thứ!

Được một thời gian thì máy nào máy nấy nó kêu như  xe tăng! Chả là máy may gia đình mà đem may như vậy thì chịu sao thấu! lại thêm loại chỉ có muối thì phải, không biết do phẩm nhuộm hay người ta cố tình cho muối vào cho nặng cân mà những chỗ sợi chỉ chạy qua đều rỉ sét và hằn sâu một rãnh! Kiểu này chắc mấy chỗ bán chỉ họ ăn gian như chuyện trộn bông cỏ vô gạo thời ấy! (lượm muốn nổ con mắt!)
  Tiền gia công lúc ấy khỏi nói, nó rẻ như bèo! mà đâu dễ lãnh, phải đúng hợp đồng  rồi mới tới ngân hàng thanh toán, sau khi trừ đầu trừ đuôi theo quy định tổ hợp thì tới tay bọn "công nhân" chân chính cỡ tớ chả còn bao nhiêu! chỉ đủ tiêu vặt! 
 May miệt mài như thế nên cũng quen tay nhưng đó là chỉ ráp chi tiết thôi, chuyện quan trọng là cắt mẫu thì trước giờ tớ toàn học lý thuyết ở mấy cuốn sổ may của chị Th. (chị có đi học may thêm của cô Nhĩ và chị Quỳnh lúc ở QN), đó cũng chỉ là cách may trong gia đình thôi, làm ở đây tớ mới biết để may đồ cho khách phải chuyên nghiệp hơn. Thế là tớ học lóm mấy người là thợ may thứ thiệt nhưng đâu ai rảnh mà chỉ vẻ cho nhiều, cũng chỉ đủ để may đồ trong nhà thôi! Mà hồi đó rất khó khăn, miếng ăn còn hiếm, vải có đâu nhiều mà may! Đang lúc thích may để thực hành nên tớ đi dzụ mấy "mối " dễ chịu để có đồ may, Ái Ngâu chẳng hạn, nhà nó có nhiều chị em gái mà má nó cũng khéo lắm nhưng nó cũng nghe bùi tai đưa cho tớ may thử. Còn em Quảng nữa, nó đang đi học ở Thủ Đức và có bạn nghèo, tụi nó con trai cũng dễ, kiếm được miếng vải, đưa tớ may giùm cái áo sơ mi chứ quần thì tớ không dám vì lỡ làm hư lấy gì đền! (Tớ cũng nhát lắm, cứ sợ may hư mà hồi đó kiếm vải đâu ra mà đền, may miễn phí có xấu cũng chả ai dám la lớn! hihi..)
 Tớ kiếm được mấy cuốn sách may, khoái lắm , rồi ba mỗi khi đi tới vựa ve chai mua giấy vụn về dán bao cũng mua được mấy cuốn rất hay của Pháp! Nhưng mà cũng chỉ để "ngâm cứu" thôi chứ có ai dám diện gì ngoài quần đen áo bà ba!
Được mấy năm thì tình hình coi bộ đỡ, vải do khu Bảy Hiền sản xuất ra khá nhiều, người ta may hàng bỏ chợ, gọi nôm na là Đồ chợ. Có người tìm tới tổ may nên tớ cũng thử, coi bộ khá hơn hàng nhà nước, nhất là dịp tết, ai cũng ham may hàng này, bỏ bê hàng tổ hợp khiến bà tổ trưởng la om sòm! (nhớ lại hàng chợ thời kỳ này mà tức cười, may bằng loại chỉ bở rệt, cứ đứt lia lịa, không biết mặc được mấy lần! còn nút có khi vội quá, người ta chỉ rạch 1 đường chứ không làm khuy và hột nút thì được dán vào!! tội nghiệp mấy người dân quê nghèo mua trúng thứ này!)

 Rồi cũng tới lúc tớ phải say goodbye với cái tổ hợp tuy lắm chuyện căng thẳng, rối ren nhưng cũng có niềm vui này, dầu gì mình cũng gắn bó với nó và trải qua bao buồn vui giận hờn cãi vã! Nhưng mà Phường nói "Ta phải tiến lên HTX" nghĩa là máy may của mình bị hóa giá và trở thành tài sản chung! Điều này thì không ai đủ "giác ngộ XHCN" để chấp nhận, đầu ai cũng đầy tư tưởng tư hữu thôi! Nhưng vào dễ ra khó ! muốn nghỉ đâu có được! nhất là lứa tuổi thanh niên như bọn tớ, phường sẽ làm khó dễ bắt đi lao động thì mệt!
  Tớ và hai bạn nữa âm thầm tính kế, chờ một ngày chủ nhật nọ, lấy cớ làm thêm và ít người, bọn tớ khiên máy về, máy của mình mà làm như ăn trộm vậy! tim tớ nó đập dữ dội, tay chân run rẩy! Khiêng về tới nhà rồi mà trống ngực vẫn đập thình thịch! Lại nghĩ tới sáng mai, bà tổ trưởng sẽ nỗi cơn lôi đình mà ớn!
 Sau đó tụi tớ nộp đơn theo đúng thủ tục nhưng cũng bị phường mời ra "làm việc" nghĩa là hăm dọa đủ thứ vân vân và vân vân...Nhưng mà chả làm gì được tớ ...(đúng ra tớ cũng bị khủng hoảng 1 thời gian đó vì cũng lo lắm, nhà thì chả có ai là công nhân viên, mẹ và chị thì là "dân chợ trời!)
  Sau đó thì tớ may hàng chợ và hàng tổ hợp mà của tư nhân, dể ăn hơn vì họ cắt bằng tay số ít và vải mỏng nên may thoải mái, nhưng bù lại ở nhà lo việc nhà cũng tiện tuy hơi buồn. Tuy vậy cũng có khi bị xù tiền..nhưng cũng chẳng đáng.
 Rồi nhà tớ dọn vô quận 10, đang lúc rộ lên hàng xuất khẩu qua Đông Âu, chị Ngọc gần nhà giới thiệu tớ lãnh hàng trong xóm đó (đường Tân Phước gần nhà Phương Lan). Vô xóm này nghe tiếng máy vắt sổ chạy ào ào, hầu như cả xóm đều tham gia, người may, kẻ kết nút, người ủi đóng gói... Công việc coi bộ phát triển dữ dội!
Tớ lãnh về may thử thì người ta hài lòng lắm vì mình đã quen ráp rồi, đường kim mũi chỉ khỏi chê (dân tổ hợp cũng hơn dân hàng chợ!) Nhưng mà..tớ phải làm việc nhà chứ không may cật lực như xưa được! thế là bị hối, nhằm lúc có khách hay bận việc gì là tớ đâu có may được, mà hàng người ta còn phải thêu nữa rồi phải giao hàng cho kịp chuyến tàu chứ đâu phải hàng bán chợ mà có thể gia hạn! Tớ chỉ có một mình, còn mấy người khác cả nhà họ xúm vô làm, thay phiên nhau đạp 24/24 thì phải, có như vậy mới đáp ứng nổi! Thế là tớ không được lãnh hàng nữa., nhưng cũng chả buồn vì cứ may kiểu đó thì ..sụm bà chè sớm!
Đúng như tớ đoán, họ may ẩu tả và vải thì rất xấu nên chỉ được một thời gian là khách hàng chê, rồi đến biến động chính tri, thị trường Đông Âu bị mất, cả nước VN khốn đốn một thời gian dài..Cả cái xóm may đó, ngày nào còn rần rần suốt ngày đêm, giờ lặng ngắt! mấy xí nghiệp quốc doanh cũng ngồi chơi.
 Đã sang một giai đoạn mới, người ta phải đi kiếm thị trường mới khó tính hơn và nhất là sự cạnh tranh khốc liệt! điều mà lâu nay những ai sống dưới chế độ XHCN không biết tới!
 Còn tớ, sự nghiệp may vinh quang của tớ dừng ngang đó!!
 Ở mục nghề nghiệp trên giấy tờ nay tớ không khai là Thợ may nữa mà ghi là: NỘI TRỢ.