Tớ đi may
Các bạn có thể ngạc nhiên sao tớ lại nói là Đi may !
vì việc tớ làm thì đúng là ngồi may thật nhưng vì tớ chưa may rành nên không phải là thợ may mà nếu gọi là công nhân may thì cũng không đúng, nên cứ gọi công việc này là đi may vậy!
Những ngày sau biến cố 75, chạy vào SG, tớ không thể đi học tiếp hay xin đi làm công nhân viên cho có một chỗ vững chắc để hưởng tiêu chuẩn thực phẩm, mà nếu không có việc làm theo đúng nghĩa của nhà nước ta thì coi như vô công rồi nghề phải đi KTM mà tăng gia sản xuất hay đi làm thuỷ lợi cho ích nước lợi nhà!
Tớ đang rầu không biết làm gì vì xuống đường buôn bán chợ trời thì không đủ bản lãnh, may quá, có bà hàng xóm qua rủ tham gia Tổ hợp may, cách nhà có mấy căn, cũng tiện vì có thể coi chừng nhà mà bà này còn "dụ" rằng dễ lắm, may theo dây chuyền, mỗi người may một thứ thôi nên ai may cũng được, chỉ cần có máy may.
Tổ may này đặt tại nhà bà đó luôn, nhà rất hẹp và khá đông người vì bà con cách mạng của bà này mới đi tập kết về chưa có nhà nên tạm thời ở đó! Chỉ mới có 4, 5 người đều trong xóm cả, thêm một người bà con của bà Tổ trưởng ở Thị Nghè, trụ cột là một ông thợ may chính hiệu mà em bà này trước đây hay may đồ, ông này tên Khang có một chân giả và có vẻ rất giỏi nghề nhưng hiện thất nghiệp vì thời điểm đó, ai có lòng dạ nào mà may mặc! (người ta còn đem bán quần áo dần để ăn!).
Bắt đầu làm việc, hàng phải đi qua bên Nhà Bè lãnh lại của công ty Tocontap.
Thấy mấy kiện hàng mà phát ớn: Hàng nghe nói là quần áo bảo hộ lao động của Liên Xô, tớ thấy từng kiện lớn đã được cắt sẵn, bó thành từng khối riêng, nào là thân trước, thân sau, tay áo, manchett, cổ áo, lưng quần, túi...đủ thứ linh tinh. Chỉ may cũng được phát theo kí lô..vải kaki màu olive do VN dệt và màu sắc không đồng đều, có lẽ mỗi cây vải mỗi sắc khác nhau, điều này nếu may ít thì chả đáng quan tâm nhưng khi người ta cắt 1 lần 150 lớp thì..rắc rối lắm! phải ráp đúng lớp nào với lớp đó, lộn 1 lớp là coi như lộn hết cả đám!
Cả bọn bắt đầu làm quen với công việc khá lạ lẫm này, chú thợ may chính hiệu (cho lãnh chức Kỹ thuật) cũng phải nghiên cứu văn bản kèm theo chứ hồi nào giờ có ai biết may kiểu dây chuyền này đâu!
Và việc đầu tiên là ông kỹ thuật phải may một bộ đồ mẫu trước, đem qua công ty duyệt rồi mới về chỉ lại cho tổ viên. Mấy hôm sau có 1 kỹ thuật viên của Tocontap xuống coi tình hình, bà tổ trưởng có vẻ hơi quê vì tổ hợp còn ít người quá, ráng nói ba điều bốn chuyện cho xong.
Tớ đã biết may vá chút đỉnh ở nhà rồi nhưng gặp hàng này cũng như mới bắt đầu học việc!
Trước hết phải thay kim máy loại lớn, vô dầu cho máy êm rồi đạp thử để điều chỉnh theo cỡ: chỉ xanh bên trong thì 6 mũi 1 phân, chỉ vàng viền thì thưa hơn, 4 mũi 1 phân..(hàng may theo kiểu đồ Jean, có 2 đường viền song song cuốn lá ba) Kéo thì phải xài kéo lớn vì vải dày.
Tớ chưa may cái kiểu cuốn lá ba này bao giờ nên cũng toát mồ hôi đánh vật với nó, vừa may vừa run vì là hàng thật chứ đâu phải vải vụn để mình tập đâu! Khỏi nói, may hai đường song song không đều thì phải tháo ra may lại chứ nó nổi bật thấy rõ khuyết điểm liền! (Bây giờ người ta may máy công nghiệp 2 kim thẳng ro đều tăm tắp)
Khổ nhất là chuyện so le, vì họ cắt đến 150 lớp nên chỉ có mấy lớp đầu còn được, mấy lớp sau phải xén lại chứ không thể nào ráp được, mất công vô cùng, nhất là vì vải dày nên cái ngón kế út cầm kéo nó sưng lên rồi chai một cục!
Mỗi người ráp một, hai thứ chứ không may nguyên áo hay quần nhưng lúc đó còn ít người nên ai cũng phải học làm nhiều khâu. Tớ cũng ráng lắm vì nghĩ chuyện này mà làm không xong nữa có nước đi Thanh niên xung phong! Tớ nhà gần nên đem về nhà tối làm thêm, làm cho kịp người khâu sau.
Cứ đạp rồi tháo riết cũng quen tay, tháo cũng không phải dễ nha! phải có kinh nghiêm thì tháo mới mau và không làm hư sản phẩm. May thì đã lọng cọng mà tháo còn lâu hơn nhiều, phải nhặt chỉ vụn cho sạch sẽ nữa, người nào làm ẩu thì sau đó may lại khó khăn.
Vì may ăn theo sản phẩm nên ai cũng cố làm cho lẹ, nhiều người làm ẩu lắm, cứ đạp cho cố rồi nhiều khi so le hay méo sẹo cũng mặc kệ.. Cái chuyện này gây rắc rối không ít vì mấy người làm ăn cẩn thận tỉ mỉ thì cũng chỉ tính tiền chừng đó thôi, nên đâm ra nản!
Tiền công thì công ty tính giá nguyên bộ sản phẩm, về tổ hợp thì tùy, muốn tính sao đó thì tính! Ông kỹ thuật ngồi vò đầu tính tiền từng khâu:: nào là manchett, cổ áo, túi áo, nách, lai, lưng v.v...phải so đi tính lại muốn điên đầu vì ai cũng thấy khâu mình làm khó khăn, muốn được tính nhiều hơn...Khỏi nói chuyện này gây tranh cãi ì xèo!!
Quần thì may theo dạng quần jean nhưng không có dây kéo mà phải làm nút gài! ai cũng tức cười vì đến thời điểm đó ở miền nam ai mà may như vậy! Vậy chắc tụi Liên Sô này quê lắm ta ơi!! Mà lúc đó khuy máy còn xa lạ nên phải làm khuy tay, tổ hợp có 2 người làm khuy nhưng hình như mới biết làm khuy đồ nhà thôi nên không đẹp, ông kỹ thuật phải than trời nói khuy gì mà như mắt chó ghẻ!! (tớ cũng thấy như vậy, và cũng học được cách làm khuy chứ theo kiểu cô Nhĩ thì chỉ để làm đồ nhà thôi!)
May hoàn tất thì gia đình bà tổ trưởng lãnh phần ủi, vô bao, gói ghém. Bà này cũng đảm nhiệm phần vắt sổ, cái máy vắt sổ xỏ chỉ thật khó, mỗi lần bị sút phải xỏ lại thì ông chồng bả phải ra tay chứ không ai biết xỏ! lại thêm máy này có con dao bén ngọt, vắt tới đâu xén tới đó, không khéo là phạm vô thì nguy.
Rồi cũng xong được lô hàng đầu tiên, nhìn cái nào cái nấy ủi lên cũng ..giống áo, giống quần!
Bà Tổ trưởng chở đi giao, cả tổ hồi hộp không biết có bao nhiêu cái đi lọt! nhưng vẫn tiếp tục công việc (hàng nhiều lắm!)
Không biết mấy ngày thì có kết quả, người ta kêu qua đem đồ về sửa! hình như khá nhiều. Tớ và 1 chị nữa đạp xe đạp chở bà Tổ trưởng đi qua tuốt bên Nhà bè để tải về. Đi thì cũng khá xa nhưng không sao, tới hồi về mới ngán, trời nắng mà ba dì cháu đẩy bộ lên cầu Tân Thuận toát mồ hôi chứ cầu này cao quá đạp không nổi, dọc đường khi ấy sao chả có một xe nước mía nào! Về tới nhà hết hơi, nguyên ngày hôm sau tớ không may nổi!
Rồi cả tổ soạn đống đồ đó ra xem do lỗi khâu nào của ai thì người đó sửa! Nhưng mà kẹt cái, nếu người nào bị nhiều quá thì không thể sửa 1 mình mà cả tổ phải phụ cho mau đặng lãnh tiền chứ!
Đó là đợt đầu tiên, sau này tổ hợp phát triển có nhiều thợ và công việc cũng đã đi vào nền nếp thì năng suất có tăng lên đáng kể, lúc này thì lại nãy sinh kèn cựa, so bì..Nhiều người may ào ào, rất ẩu và dĩ nhiên sai sót cũng nhiều! Có đợt bị sửa nhiều quá, phải ngưng làm để xúm nhau sửa. Những người làm cẩn thận như mấy bác lớn tuổi thì dĩ nhiên năng suất ít mà phải sửa cho mấy đứa thanh niên ẩu, lảnh tiền nhiều hơn nên không khỏi càm ràm bất mãn!
Hàng phải giao được 1 số lượng nào đó thì mới được thanh toán tiền và được mua gạo, nhu yếu phẩm (vì đã cắt khỏi hộ gia đình) nên lúc nào cũng phải đạp, đạp đạp...(làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm).
Lúc đó sao ai cũng khỏe re, ra sức đạp chết bỏ mà chả thấy đau ốm gì. Mấy người lớn cứ khuyên làm kiểu này về già đau lưng lắm đó! Nhưng tụi trẻ coi như pha, cứ đạp liên hồi...
Hàng thì chỉ có 1 kiểu như thế nên cũng khỏe, khỏi mắc công làm quen cái mới, nhưng vì thế mà ..không thành thợ được, thợ cũng lụt nghề luôn!
Cứ làm như thế mấy năm thì có lẽ mấy bạn Liên Sô đâm ra chán kiểu đó hay sao mà thấy công ty cho lãnh kiểu khác, lần này bằng vải Jean chắc do VN dệt nhuộm vì vải hồ cứng như mo cau và màu thì cũng tá lả, mỗi chiều khi chấm dứt 1 ngày thì tay ai cũng xanh lè vì vải lem ra, cực nhất là hàng số nhỏ mà may đường giàng quần, nghĩa là phải vừa chui vừa dằn ra may rất mỏi tay, chui xong một mớ giàng này mới ráp đáy được, đáy quần cũng quấn lá ba mà vải xéo nên ai non tay thì không làm được! Cái đáy này tụi KCS kiểm kỹ lắm.
(Tớ thấy quần Jean bây giờ người ta may bằng máy công nghiệp rất khỏe, đường giàng hay đáy không quấn lá ba mà chỉ ráp bình thường xong may chặn lên 2 đường viền thôi, vừa khỏe, vừa đẹp hơn nhiều!)
Cái đợt hàng vải Jean này cũng khá nhiều, tay ai cũng sưng lên vì cầm kéo gọt vải dày quá, còn kim máy thì khỏi nói , gãy lia lịa, ông thợ may cũng bày tiết kiệm bằng cánh lấy kim ra mài cho mũi bớt cùn! mài được vài lần thì nó ngắn không ăn chỉ nữa, phải bỏ đi! Kim và dầu máy phải qua xí nghiệp mua mới có! (nhớ lại hồi đó ai cũng bị kim đâm vô tay thường xuyên! vì có những chỗ giao nhau của 2 đường lá ba thì tới 6 lớp vải, dày quá phải lấy đèn sáp thoa vào rồi lấy cán kéo gõ xuống!)
Rồi có lúc may áo quần bộ đội, khỏi cần viền nhưng kiểu quần thì rắc rối vì phải mổ túi, hơi khó, nhưng nhờ vậy mà tớ biết thêm nhiều thứ!
Được một thời gian thì máy nào máy nấy nó kêu như xe tăng! Chả là máy may gia đình mà đem may như vậy thì chịu sao thấu! lại thêm loại chỉ có muối thì phải, không biết do phẩm nhuộm hay người ta cố tình cho muối vào cho nặng cân mà những chỗ sợi chỉ chạy qua đều rỉ sét và hằn sâu một rãnh! Kiểu này chắc mấy chỗ bán chỉ họ ăn gian như chuyện trộn bông cỏ vô gạo thời ấy! (lượm muốn nổ con mắt!)
Tiền gia công lúc ấy khỏi nói, nó rẻ như bèo! mà đâu dễ lãnh, phải đúng hợp đồng rồi mới tới ngân hàng thanh toán, sau khi trừ đầu trừ đuôi theo quy định tổ hợp thì tới tay bọn "công nhân" chân chính cỡ tớ chả còn bao nhiêu! chỉ đủ tiêu vặt!
May miệt mài như thế nên cũng quen tay nhưng đó là chỉ ráp chi tiết thôi, chuyện quan trọng là cắt mẫu thì trước giờ tớ toàn học lý thuyết ở mấy cuốn sổ may của chị Th. (chị có đi học may thêm của cô Nhĩ và chị Quỳnh lúc ở QN), đó cũng chỉ là cách may trong gia đình thôi, làm ở đây tớ mới biết để may đồ cho khách phải chuyên nghiệp hơn. Thế là tớ học lóm mấy người là thợ may thứ thiệt nhưng đâu ai rảnh mà chỉ vẻ cho nhiều, cũng chỉ đủ để may đồ trong nhà thôi! Mà hồi đó rất khó khăn, miếng ăn còn hiếm, vải có đâu nhiều mà may! Đang lúc thích may để thực hành nên tớ đi dzụ mấy "mối " dễ chịu để có đồ may, Ái Ngâu chẳng hạn, nhà nó có nhiều chị em gái mà má nó cũng khéo lắm nhưng nó cũng nghe bùi tai đưa cho tớ may thử. Còn em Quảng nữa, nó đang đi học ở Thủ Đức và có bạn nghèo, tụi nó con trai cũng dễ, kiếm được miếng vải, đưa tớ may giùm cái áo sơ mi chứ quần thì tớ không dám vì lỡ làm hư lấy gì đền! (Tớ cũng nhát lắm, cứ sợ may hư mà hồi đó kiếm vải đâu ra mà đền, may miễn phí có xấu cũng chả ai dám la lớn! hihi..)
Tớ kiếm được mấy cuốn sách may, khoái lắm , rồi ba mỗi khi đi tới vựa ve chai mua giấy vụn về dán bao cũng mua được mấy cuốn rất hay của Pháp! Nhưng mà cũng chỉ để "ngâm cứu" thôi chứ có ai dám diện gì ngoài quần đen áo bà ba!
Được mấy năm thì tình hình coi bộ đỡ, vải do khu Bảy Hiền sản xuất ra khá nhiều, người ta may hàng bỏ chợ, gọi nôm na là Đồ chợ. Có người tìm tới tổ may nên tớ cũng thử, coi bộ khá hơn hàng nhà nước, nhất là dịp tết, ai cũng ham may hàng này, bỏ bê hàng tổ hợp khiến bà tổ trưởng la om sòm! (nhớ lại hàng chợ thời kỳ này mà tức cười, may bằng loại chỉ bở rệt, cứ đứt lia lịa, không biết mặc được mấy lần! còn nút có khi vội quá, người ta chỉ rạch 1 đường chứ không làm khuy và hột nút thì được dán vào!! tội nghiệp mấy người dân quê nghèo mua trúng thứ này!)
Rồi cũng tới lúc tớ phải say goodbye với cái tổ hợp tuy lắm chuyện căng thẳng, rối ren nhưng cũng có niềm vui này, dầu gì mình cũng gắn bó với nó và trải qua bao buồn vui giận hờn cãi vã! Nhưng mà Phường nói "Ta phải tiến lên HTX" nghĩa là máy may của mình bị hóa giá và trở thành tài sản chung! Điều này thì không ai đủ "giác ngộ XHCN" để chấp nhận, đầu ai cũng đầy tư tưởng tư hữu thôi! Nhưng vào dễ ra khó ! muốn nghỉ đâu có được! nhất là lứa tuổi thanh niên như bọn tớ, phường sẽ làm khó dễ bắt đi lao động thì mệt!
Tớ và hai bạn nữa âm thầm tính kế, chờ một ngày chủ nhật nọ, lấy cớ làm thêm và ít người, bọn tớ khiên máy về, máy của mình mà làm như ăn trộm vậy! tim tớ nó đập dữ dội, tay chân run rẩy! Khiêng về tới nhà rồi mà trống ngực vẫn đập thình thịch! Lại nghĩ tới sáng mai, bà tổ trưởng sẽ nỗi cơn lôi đình mà ớn!
Sau đó tụi tớ nộp đơn theo đúng thủ tục nhưng cũng bị phường mời ra "làm việc" nghĩa là hăm dọa đủ thứ vân vân và vân vân...Nhưng mà chả làm gì được tớ ...(đúng ra tớ cũng bị khủng hoảng 1 thời gian đó vì cũng lo lắm, nhà thì chả có ai là công nhân viên, mẹ và chị thì là "dân chợ trời!)
Sau đó thì tớ may hàng chợ và hàng tổ hợp mà của tư nhân, dể ăn hơn vì họ cắt bằng tay số ít và vải mỏng nên may thoải mái, nhưng bù lại ở nhà lo việc nhà cũng tiện tuy hơi buồn. Tuy vậy cũng có khi bị xù tiền..nhưng cũng chẳng đáng.
Rồi nhà tớ dọn vô quận 10, đang lúc rộ lên hàng xuất khẩu qua Đông Âu, chị Ngọc gần nhà giới thiệu tớ lãnh hàng trong xóm đó (đường Tân Phước gần nhà Phương Lan). Vô xóm này nghe tiếng máy vắt sổ chạy ào ào, hầu như cả xóm đều tham gia, người may, kẻ kết nút, người ủi đóng gói... Công việc coi bộ phát triển dữ dội!
Tớ lãnh về may thử thì người ta hài lòng lắm vì mình đã quen ráp rồi, đường kim mũi chỉ khỏi chê (dân tổ hợp cũng hơn dân hàng chợ!) Nhưng mà..tớ phải làm việc nhà chứ không may cật lực như xưa được! thế là bị hối, nhằm lúc có khách hay bận việc gì là tớ đâu có may được, mà hàng người ta còn phải thêu nữa rồi phải giao hàng cho kịp chuyến tàu chứ đâu phải hàng bán chợ mà có thể gia hạn! Tớ chỉ có một mình, còn mấy người khác cả nhà họ xúm vô làm, thay phiên nhau đạp 24/24 thì phải, có như vậy mới đáp ứng nổi! Thế là tớ không được lãnh hàng nữa., nhưng cũng chả buồn vì cứ may kiểu đó thì ..sụm bà chè sớm!
Đúng như tớ đoán, họ may ẩu tả và vải thì rất xấu nên chỉ được một thời gian là khách hàng chê, rồi đến biến động chính tri, thị trường Đông Âu bị mất, cả nước VN khốn đốn một thời gian dài..Cả cái xóm may đó, ngày nào còn rần rần suốt ngày đêm, giờ lặng ngắt! mấy xí nghiệp quốc doanh cũng ngồi chơi.
Đã sang một giai đoạn mới, người ta phải đi kiếm thị trường mới khó tính hơn và nhất là sự cạnh tranh khốc liệt! điều mà lâu nay những ai sống dưới chế độ XHCN không biết tới!
Còn tớ, sự nghiệp may vinh quang của tớ dừng ngang đó!!
Ở mục nghề nghiệp trên giấy tờ nay tớ không khai là Thợ may nữa mà ghi là: NỘI TRỢ.
Em chao chi My.
Trả lờiXóaVô đây thì phải bỏ dấu mới sành điệu!
Trả lờiXóaNhớ hồi đó Khang nhà ta làm tổ đan len, tới chơi thấy mấy nàng kéo rẹt rẹt..có vẻ nhẹ nhàng hơn đạp máy may như tớ! và tớ vẫn còn nhớ chi tiết BK vô bao áo len mà bấm cho nhiều kim cho nặng cân đó nha!
Trả lờiXóaCô Ba vậy là giỏi lắm rồi.
Trả lờiXóaNhà chị có bàn máy may vì chị thứ 6 học may nhưng chị chưa bao giờ may vá một cái gì cả.Thậm chí là chưa đạp thử cái máy may chạy làm sao.
Thấy Diệu Tâm kể mình phục sát đất.
Cô Ba cũng trải qua nhiều chìm nổi . Hồi ấy sao mà ai cũng cực quá chừng!
Ủa, nhà chị Mừ có bàn máy may mà không muốn lên đạp thử sao!em thì thích lắm, lúc đầu không được may nhưng cũng cứ lén lên ngồi đạp tới đạp lui, đạp hoài không chán!
Trả lờiXóaChào cô Ba (:-)! Hổm nay mới lại mở cửa vô nhà, nghe tiếng .. máy may đạp rào rào, khoái quá định vô ..xin việc nè, dè đâu đọc hết bài thấy bây giờ khai là "Nội trợ" chứ hổng thèm làm "Thợ may" nữa. Thật ra nghề nào cũng cực hết Mỹ à. Hồi đó thì ai cũng cực, vất vả để kiếm sống. Mình cũng suýt mấy lần mình bị bà con ở khu Tân Bình quyến rũ qua may áo gió xuất đi Liên Xô đó chứ, vì lúc đó mình có việc làm rồi nên thấy ngán may nên thôi. Hình như tánh mình chỉ thích "sáng tác" nên nếu làm hàng loạt giống nhau mình cũng ngán luôn. Bởi vậy ngày ấy chỉ nhận may ở nhà, vì mỗi khách là một kiểu không giống nhau. Hu hu bây giờ mà bắt ngồi may hàng hợp tác xã nhất là quần jean cứng đơ như Mỹ tả là em trốn liền (:-(((
Trả lờiXóaÀ, cái giai đoạn mình "đạp" đã đời là giai đoạn T còn làm Sing diên và gõ đầu trẻ lớn chứ chắc chưa may! sau này đỡ đỡ 1 chút mới có vải mà đưa T may chứ hồi đó chỉ có sửa đồ cũ thôi, nhất là sửa đồ cho bộ đội!
Trả lờiXóaBây giờ thợ may tha hồ sáng tác kiểu cọ thì mình không còn hứng thú nữa!Cũng như lúc muốn diện thì nhằm lúc thiên hạ chỉ cần ăn, bây giờ có ăn có tiền để diện thì lòng ta..hết phàm ăn và mặc..hihi..
Nhớ lại cũng ớn ghê! làm nhiều mà lương chả bao nhiêu nhưng ít nghe ai bịnh tật nhiều như bây giờ!
Hay là "lao động là vinh quang" thật tình nhỉ!?
Ờ Mỹ nói đúng đó. Mình cũng nhớ hồi đó cực khổ, ăn uống cũng có để ý đến chuyện bổ, tốt gì đâu mà sao đâu có nhiều bệnh nhân như bây giờ? Hay tại hồi đó Trung quốc cũng còn nghèo chưa sản xuất được .. hóa chất?
Trả lờiXóa