Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Những năm trung học đệ nhị cấp

 Lên lớp 10, lớp có mấy bạn từ lớp 9/1 học Pháp văn chính qua nên đến giờ sinh ngữ thì tách ra, còn lại chỗ trống nên ai muốn ngồi đâu thì ngồi.
Sân trường lúc này đã bị thu hẹp, một bên sân đã xây lên Trung Tâm văn Hoá, bên còn lại mới xây thêm một dãy phòng học, toàn lợp tôn nên rất nóng. Cũng có những phòng mới ở phía sau nữa, vẫn không đủ chỗ học nên nhiều khi phải học mấy phòng bên Ký túc xá (sau này cho trường Tăng Bạt Hổ từ Bồng Sơn về dùng tạm)
 Các lớp đệ nhị cấp có thêm môn sinh ngữ phụ, tụi mình học Pháp văn không nhớ ai dạy? thầy Nông hay cô Cúc? Cô Yến hình như dạy PV lớp mình năm lớp 11, hình như cũng là giáo sư hướng dẫn thì phải(?). Sau biến cố sân vận động, cô mất.
Lớp 10B vẫn do Đường Sở Phân làm trưởng lớp.
 Mấy bạn bên lớp 9/1 pháp văn như Thanh Bình, Xuân Miên, Thanh Thuỷ, Huyền Đan, Trúc Đào, Từ Nhơn..(chịu, không thể nào nhớ còn bạn nào nữa!?).Còn từ lớp 9/3 qua mình còn nhớ Thanh Trước, Tòng, chị em Xuân Tiên, Xuân Sơn...
Đặc biệt có thêm mấy bạn từ các trường tư thi tuyển vào như Thanh Vân, Liên Hương, Ngọc Huệ, Thu Cúc, Cao thị Kim, Kim Tân.. (Trinh Vương) Ngọc Vinh...nói chung mấy bạn này mình đều biết cả do hồi trước học chung Ấu Triệu hay học hè. Ngày khai giảng đứng xếp hàng mình thấy có cả Trịnh Việt Lan nữa nhưng sau đó bạn này đổi vào Cần Thơ nên không thấy nữa (sau nghe Lan học cùng lớp với Lê Thanh Hương ở trường Đoàn thị Điểm Cần Thơ)
 Hồng Phượng học lớp 10 A nên không còn chung lớp nữa. Bên banC cũng thật nhiều bạn lớp mình: Lưu Ly, Trang Tân, Thu Sa, Ngọc Hoa. Mình cũng ngạc nhiên khi thấy Diệu Tâm học ban C! Có nhiều bạn đã lâu không gặp như Xuân, Thuyên, Kim Thoa cũng vào lớp 10C này!
 Ngày đầu, mình mãi vui, lo nói chuyện với mấy bạn cũ gặp lại nên vào lớp hơi trễ, hết chỗ phía trên, nên phải ngồi gần phía dưới, xóm của mấy bạn "cao ráo" mấy chị lớn! Số là mấy bạn như Ngâu, Nga..mấy năm trước cũng xêm xêm với mình mà sao bây giờ tụi nó nhổ giò qua mặt mình cái ào! mình và Mỹ Luyến thì cứ nở bề ngang!
 Ngồi gần bộ ba Cúc xù, Hà Hồng Nam, Khang Bắc Kì, vui gì đâu!

 Bàn trên mình còn nhớ có Gia Lợi  Cẩm Huyền, Nga, Phận..Trừ Cẩm Huyền, mấy bạn kia có tóc dài ngang eo mà lúc nào cũng xoả ra nên trước mắt mình là một màu..đen!  Hồng Nam đặt tên cho mái tóc của Gia Lợi là Rừng khai quang (vì hơi xác xơ) còn 2 mái tóc mượt mà đẹp đẽ của Nga và Phận là U Minh Hạ U Minh Thượng! Bình thường thì không sao, nhưng khi trời nóng, nhìn mấy cái rừng này thấy nực nội quá, mình nhớ mẹ hay nói tóc dài không tốt vì phải tốn máu nuôi nó (vì thế mình không được để tóc dài dù rất thích) ngứa miệng mình nói như vậy với Nga (vì thấy nó ốm o gầy mòn quá) ai dè nó nghe xong giận mình luôn!!


 Thôi, chắc phải chấm dứt những hồi ức này thôi
Năm đệ nhị và đệ nhất có nhiều sự việc lắm như vụ nổ đau thương ở sân vận động, cô Yến và rất nhiều học sinh đã mất.
cả thành phố khi ấy bàng hoàng.
Rồi chưa kịp hoàn hồn lại đến "mùa hè đỏ lửa", chưa hết năm học, cả thành phố chạy táo tác vô nam, nhà tớ không đi đâu. Những buổi trưa nhìn những con đường vắng ngắt, tớ có cảm tưởng như một thành phố chết! lòng cứ thầm mong sao cho chiến cuộc lắng xuống, mọi người trở về..
Đầu năm 73, hoà bình ló dạng. Những tưởng niềm vui sẽ đến nhưng không..tình hình lại càng rối ren đáng lo ngại hơn bao giờ!
Nhắc lại chi những chuyện này nhỉ, hãy cứ để nó nằm yên đâu đó trong ký ức mỗi chúng ta..

 Tới nhà Phượng Còi, thấy hai cái hình này nên cho lên đây:
Trang Tân

Ngâu


Ái Ngâu ở Saigon

Phượng- Thanh Vân- thanh Bình- Tiến - Diệu Tâm - Xuân  (20/11/2011 tại Sông Trăng)












Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Nỗi nhớ muộn màng


 Tự nhiên sao hôm nay mình bỗng nhớ đến cô Hồng. Cô dạy mình lớp Nhất B trường Ấu Triệu NK 65-66.
Sau khi thi đậu Đệ Thất rồi, mình có về lại trường cũ, tới tận lớp cô đang dạy thăm cô...rồi đi biệt luôn tới giờ!!
Trưa nay bỗng dưng thấy buồn buồn, cứ ước sao có dịp gặp lại hay nghe tin gì của cô Hồng, cô Kim Anh, cô Tin Kính ngoài Quảng Trị.
Không biết mấy cô giờ đang ở nơi nào, nhưng chắc trong lòng mấy cô không khỏi ngậm ngùi.
Học trò hay nhớ đến những năm Trung học hay Đại học hơn là những năm Tiểu học còn quá nhỏ và đã quá xa..Thường mình cứ thấy những buổi họp mặt của cựu học sinh Trung học và Đại học chứ chưa thấy có họp mặt trường Tiểu học nào,  cũng vậy ít ai nhớ hay quan tâm đến thầy cô thời Tiểu học.
 Riêng mình thì có cảm tình với mấy cô thời Tiểu học nhiều hơn. Hồi đó mình học một ngày hai buổi, sáng, chiều, năm ngày một tuần nên thời gian gần gũi thầy trò nhiều.
 Khi lên Trung học, có nhiều Giáo Sư dạy nên chỉ người nào gây ấn tượng mới có cảm tình.(Đối với mình  thì trong mấy GS nữ, mình chỉ có cảm tình cô Vinh dù chỉ được học cô môn Vạn Vật năm 12 và không nghe ai nhắc đến cô, không biết giờ cô ở đâu?)
Ngày xưa không có ngày Nhà giáo 20/11 nên mình cũng chưa bao giờ tới thăm hay tặng hoa gì cả. Điều này bây giờ đã trở thành một cái lệ cũng hay mà nhiều khi cũng..hình thức!
 Mới gọi cho Tòng hỏi nó có biết gì về mấy cô trường Ấu Triệu cũ không? Nó nói hình như sau 75, toàn người mới, chắc mấy cô cũ bị đổi đi trường khác?  Bây giờ đã 36 năm rồi mà hỏi thì ..quá muộn phải hong các bạn? Chỉ hy vọng biết một chút gì thôi cũng đỡ áy náy.  Nhớ cô Ngọc Anh hay nói, "Nghề giáo bạc bẽo lắm, đưa người qua sông, còn mình cứ mãi chèo đò!"  Điều đó mấy thầy cô Tiểu học càng thấy rõ hơn ai hết!
 Thôi, cũng cứ tự an ủi rằng thì là họ cũng vẫn sống, có con, có cháu, có vui có buồn...

Mình đem chuyện kể của mấy bạn lên đây luôn cho vui:
 Chuyện của Tâm:
    Sao mà các bạn nhớ chuyện thời tiểu học hay quá, mình phục lăn đó (:-)! Đọc email Mai viết về "toán chạy" mình mới nhớ lại môn học này, vui há? Lại còn vụ học trò bị thầy phạt quỳ xơ mít hay đét roi. Năm lớp 5 trong lớp học thì mình được thầy cưng vì thầy hay gọi lên bảng vẽ bản đồ cho thầy. Trong lớp có một anh học trò, cha là bác sĩ, không biết sao lại "để ý" đến mình, chắc "ái mộ" vì mình được thầy cưng thôi chứ chút xíu biết cái gì. Mình có kể trong bài "Huế vẫn còn mưa" đó. Lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mình. Nhưng có lần anh chàng bị thầy phạt, bắt lên bảng nằm dài trên ghế để thần đét đít. Đét cho mấy roi thầy cho xuống. Vừa đi nước mắt lưng tròng mà đi ngang qua chỗ mình ngồi, "chàng" cũng ráng "liếc" một cái, tỏ vẻ mắc cở vì "quê độ" bị đòn trước mặt mình. Còn nhớ một cô bạn thân hồi đó, sao mà còn nhỏ mà nó "xảnh xẹ" quá. Ra chơi nó hay ngồi với mình nhìn bọn con trai chơi trong sân, có lần nó nói: "Lớn lên tao lấy thằng A làm chồng, còn mày lấy thằng B nghen"! Hi hi thật tức cười. Chắc mình bị con nhỏ này "đầu độc". Cũng may mình không "ngựa" như nó (:-)!!!
Còn nhớ vụ trường thi hát. Đến giờ ra chơi là học trò ai đăng ký sẽ lên văn phòng hát, truyền đi qua micro đến tất cả các lớp, sau đó mới chấm điểm hát. Mình cũng làm gan đăng ký dù hát .. dở ẹt! Cuối năm kỳ phát thưởng có văn nghệ, mình trong nhóm múa bài gì quên tựa đề nhưng lời là "Ngày nào em đến nón em cầm tay"... gì đó, tụi mình 6 đứa con gái mặc áo bà ba vá đùm đụp, đội nón lá ra múa bài đó. Má mình đi xem .. khóc vì thấy mình sao giống người chị đầu lúc đó vừa mất vì bệnh. Càng kể mới càng nhớ lại, còn không quên tuốt hết. Mỗi người có một thời tuổi nhỏ giống mà cũng khác nhau do hoàn cảnh và nơi mình sống. Kể lại thấy lạ và hay lắm. Mình rất thích.
Cảm ơn các bạn nghen (:-)!
   Chuyện của Xẩm nẫu:
   Nhắc về thời tiểu học thì lúc nhỏ mình sống ở Phú Phong, từ năm lớp 1 đến lớp 3 mình học ở trường làng, (nhà mình ngoài phố  nằm dọc theo quốc lộ 19) vì ở đó có ông giáo gìa, ngày trước đi lính cho Pháp, không biết sao mọi người đều gọi thầy là Thầy Cai Diên ( có lẽ lúc trước thầy làm cai và tên là Viên), mình còn nhớ là hình như thầy chỉ chú tâm về môn toán thôi. 
  Lớp mình có một bạn trai tên Trần văn Sô, con nhà nông (duy chỉ có người nầy mình còn nhớ tên họ mãi đến bây giờ?), bạn nầy rất giỏi toán. Mỗi khi thầy ra một bài toán trên bảng, thầy nói: trò nào giải được bài nầy thì lên, thế là trò Sô nầy đưa tay lên liền (luôn luôn là người đầu tiên), quy luật của thầy là phải vừa giải vừa giải thích chứ không được cặm cụi im lặng chỉ làm đến đáp số là được, nhưng khổ nỗi là cậu nầy lại bị nói ngọng!, và cứ mỗi khi nghe những chữ nói ngọng của câu học trò đáng thương nầy thì vụt một cái, cái mông của cậu ta bị ăn roi (lúc nào thầy cũng cầm roi trên tay) và thầy bắt phải sửa lại cho đúng giọng, và cứ như thế đến khi giải xong bài toán. Mình không nhớ là cậu ta đã bị bao nhiêu đòn roi! Thật kinh hãi nhưng cậu ta vẫn không sợ và luôn đưa tay lên xin giải toán mỗi ngày. Mãi về sau nầy thì mình được biết cậu nầy làm thầy giáo, có lẽ cậu ta đã cám ơn thầy nhiều lắm nhưng cũng rất tiếc có lẽ vì nhà nghèo nên chỉ làm được đến thầy giáo thôi!! Còn nữa, thầy luôn để dành xơ mít bắt nam sinh qùy gối mỗi khi không làm bài hay nghịch ngợm, con gái thì được miễn. Nhà thầy vì ở trong làng quê, từ ngoài phố đến trường (vừa là nhà ở của gia đình thầy) thì phải băng ngang qua nhiều đám ruông. Cứ đến mùa mưa thì nước ngập hết từ ruộng đến con những đường mòn băng ngang qua ruộng, nếu không khéo sẽ bị lọt xuống ruộng và rất khó leo lên được, thế là thầy phân công những anh lớp lớn sẽ cõng những em lớp nhỏ đặc biệt là em gái nhỏ. Riêng mình còn nhớ có anh đó tên Triện to cao lắm cõng mình mỗi khi bị ngập nước, anh nầy sau nầy đi lính và đã tử trận!
    Đến lúc trường ở phố có mở khoá  thi vô lớp nhì thì mình xin thi và được học ở đây, thầy dạy tên Phan Văn Tập, người Huế. Mình vẫn còn nhớ rõ tên thầy tuy vào năm lớp nhì mình học không có gì xuất sắc nhưng vì thầy dạy chị mình lúc trước và chị mình là học trò cưng của thầy, chị học luôn đứng hạng nhất thế mà đến khi thi vô đệ thất thì bị rớt, xin thầy học lại năm nữa và kỳ thi lần nầy thứ hai đó có thầy đi theo cùng Ba mình đưa chị từ Phú Phong xuống Qui Nhơn để thi), thầy còn dặn là mang bài nháp về đưa thầy coi, thầy nói với Ba mình kỳ nầy con Hoa chắc chắn sẽ đậu. Nhưng lại bị rớt lần nữa, thế là phải đành xin vô trường Nhân Thảo để học thôi! Ở đây mình nói thêm về chị mình , trong suốt thời trung học ở trường Nhân Thảo, năm nào chị cũng được lãnh phần thưởng thế nhưng đến khi thi tú tài bán lại cũng bị rớt nữa nên lại phải học lại và năm sau thi mới đậu.
  Trở lại về mình, đến khi lên lớp nhất thì thầy dạy tên Phương Tấn Dị, người Nam, nơi mình ở có lẽ rất ít người miền Nam sinh sống nên đối với hs trong lớp lúc đó ai cũng thấy giọng thầy rất lạ tai, đặc biệt mỗi khi nghe thầy nói đến chữ: DƠ DÁY qúa (theo cách phát âm của người Nam) thì cả lớp đều tủm tỉm cười (chứ đâu dám cười lớn). Thầy còn rất trẻ, độc thân, có lẽ vừa mới ra trường từ trong Nam bổ nhiệm ra. 
 Suốt thời gian học lớp nhất nầy không biết mình ăn nhằm cái gì mà lại học rất giỏi (thật tiếc chỉ được năm nầy thôi, he he). Thầy thường cho làm toán chạy (thầy viết đề bài trên bảng, cứ trò nào mang bài làm lên thì thầy chấm ngay tại chỗ, nếu đúng thì thầy sẽ chia điểm theo thứ tự từ 10, 9 ,8...theo thứ tự hs nào nộp bài lên đầu tiên, thứ nhì, thứ ba..), riêng mình được lợi thế nhất vì nhỏ con nên được ngồi bàn đầu sát bảng phía tay phải, nên mỗi lần mang bài lên bàn thầy thì mình luôn là người đầu tiên (luôn được điểm 10, đã chưa!). Lớp mình có một bạn tên Nguyễn Thị Hòa, người rất cao, lớn hơn mình mấy tuổi, học rất giỏi, có lẽ vì là dân ở quê đi học trễ, nhưng lại bị tật, hai lòng bàn chân lật ngược lên trên và rất nhỏ. Bạn nầy vì cao lớn nên phải ngồi cuối lớp, thế là bạn nầy luôn chỉ là thứ hai hoặc thứ ba mang bài đến bàn thầy trong những giờ toán chạy. Lúc đó mình còn nhỏ chẳng hề suy nghĩ chỉ cần biết miễn mình được điểm 10 là vui rồi nhưng sau nầy lớn lên nghĩ lại thầy giáo làm vậy là không đúng, đáng lý ra  thầy nên làm cách là hs chỉ cần ngồi tại chỗ và đưa tay lên mỗi khi làm xong bài để xếp thứ tự trước sau như vậy mới công bằng. Những giờ toán làm bài kiểm tra toán bình thường thì bạn Hoà luôn được điểm 9.10. Riêng môn luận văn thì mình luôn thua xa Hòa, kết quả cuối năm mình được hạng nhất, Hòa hạng nhì (vì thầy cho làm toán chạy khá nhiều).
  Vào năm 2001 mình có về lại Phú Phong đã  thăm lại trường tiểu học lúc nhỏ, những hình ảnh ngày trước như hiện ra trước mắt, nào là căn phòng học lớp nhì, lớp nhất, đến cây me, dãy hành lang mà ngày trước cứ mỗi lần giờ ra chơi là bọn mình chơi đánh nẻ hay bắn thun (bạn Hòa cũng luôn giành phần thắng), mình cũng đã gặp lại được bạn Hoà gìờ đang làm nhân viên trong văn phòng trường cấp 3 (vì bị có tật ở chân nên chỉ được làm nhân viên văn  phòng mà thôi), một người bạn nam học chung lớp nhất giờ làm hiệu trưởng trường cấp 3. 
   Mới được biết đây, thì ra thầy hiệu trưởng trường tiểu học của mình lúc nhỏ tên Nguyễn Văn Đồng là cha của thầy Nguyễn Mộng Giác .
 Châu Lệ Mai.



Nhắc đến toán chạy, mình không thích lắm vì dễ bị mất bình tĩnh, hay bị quýnh quáng!
Nhưng khi học lò "Hai Ngô" thì không bị áp lực về điểm nên mình cảm thấy thoải mái nên thường cũng "chạy" kha khá!  Thường thì ở đây chỉ lấy khoảng 10 đứa đầu chạy lên thôi nên ráng làm lẹ mới được chấm bài.
  Mình nhớ chuyện này vui vui, hồi đó trong lớp có con trai học chung mà tụi nó dĩ nhiên giỏi toán hơn con gái rồi. Có thằng tên Nga nên ông thầy hay chọc Nga và Mỹ coi ai thắng! mà ông này muốn Mỹ thắng chứ đâu có muốn Nga Sô thắng nên thường thiên vị cho mình!  
 Nhớ lại cái lò luyện thi này nhiều chuyện vui, đi học sáng sớm còn ngái ngủ, xuống biển mùi tanh tanh, bàn ghế nhiều khi có rệp nữa! Mấy người dạy thì phải gọi là "anh" chứ không cho kêu "thầy" và đặc biệt là có roi vọt, tuy là để hăm he tụi con trai nhưng con gái cũng ngán lắm! đứa nào "lì" cũng bị đánh!
  Có dạo nhà Hai Ngô làm thêm chuyện đóng thuyền (nhỏ). Hôm đó không biết có chuyện gì vui mà anh Hai  cho tụi tớ lên 1 chiếc mới làm xong, chạy một vòng trên biển, vui ghê! (từ bờ ra tới thuyền phải ngồi trong cái thuyền thúng)
  Bây giờ nhiều người nhắc lại "lò Hai Ngô" với sự cám ơn thật lòng!
 Tớ cũng vậy, nhờ học ở đó mà tớ có thêm nhiều bạn, và cải thiện sự học thấy rõ!
Cám ơn anh Hai Ngô nhiều lắm! Hy vọng anh mỉm cười ở nơi nào đó!

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Giờ ra chơi

  Kể về bạn và thầy cô rồi, giờ tớ kể chuyện chơi.
Hồi mới vô Đệ Thất, sân trường còn đủ hai bên, rộng mênh mông, cỏ dại mọc đầy, hai bác cai trường dọn không xuể nên nhiều khi trường huy động học sinh ra dọn dẹp (sao không xén, chăm sóc cỏ cho đẹp nhỉ? chắc mắc công mà tụi mình sẽ dẫm nát!). Sân bằng đất pha cát hay sao mà tớ nhớ trời mưa không bị lầy lội mà nắng cũng không có bụi, hai hàng dương liễu cũng nên thơ quá chứ!
 Giờ ra chơi, chạy ra sân chơi nhảy dây hay u quạ, đánh vũ cầu thoải mái.Tớ nhớ có lần chơi nhảy dây, đứa nào hong nhớ, bày ra luật chỉ nhảy một cái thôi, rồi ra, đứa khác nhào dzô, mà chỉ có 3 đứa thôi, báo hại chạy trối chết chứ không thôi không kịp là phải bị quay dây! trò này nhỏ Hồng Nam số một! mệt mà dzui quá dzui!!
Giờ thể dục nhiều khi Thầy Du cho chơi giựt cờ. Mấy chị lớp lớn thì ngồi tâm sự ở những bậc thềm phía sau hay phía gần cổng cũng có chỗ ngồi.
 Nếu nghỉ giữa giờ thì ra biển chơi, hồi đó chưa có Ấu trĩ viên, nên chỉ ngồi bày trò gì đó trên bãi cát thôi.
Tớ nhớ có cái ống dẫn dầu thì phải, khá to, cả bọn đứng lên đó, cố hất nhau xuống, đứa nào còn lại sau cùng là thắng. Trò này giống như cái gờ ở trường Ấu Triệu ngày nào!

 Lớp Đệ Thất được phép mặc áo đầm trắng hay quần tây trắng cũng được. Con nhỏ Thanh Hà Hồng Nam ỷ mặc áo đầm nên  nó hay lén cột áo dài của người ta, nhưng mà tớ cũng có cách: áo đầm của nó có 2 sợi dây cột thành nơ sau lưng nên tớ cũng rút 2 sợi dây này cho xổ ra!! Chỉ có đứa nào mặc quần tây trắng thì phẻ! (Tớ cũng thèm có 1 cái nhưng không được! Hồi đó chỉ có 1 cái áo đầm và một cái áo dài thôi, gặp lúc trời mưa dầm dề lâu khô thì phải ủi cho mau khô!)
 Học hè ở trường Bồ Đề gần chùa Long Khánh nên rảnh là cả bọn vô chùa chơi năm mười. Chùa LK rất rộng và có nhiều cây cối, rất lí tưởng cho trò này. Hạnh Nhân còn kể lại nè:
... Hồi tụi mình chơi "chụp mẹ" ở chùa Long Khánh, buổi trưa la to quá mấy thầy không ngủ được nên la :"Cha không chụp mà cứ chụp mẹ hòai" rồi tụi mình cứ chơi tiếp, mấy thầy tức quá rượt đuổi, tụi mình bỏ chạy, thầy túm được Hồng Nam, nó lanh lắm, la lên: "thầy chùa mà nắm tay con gái!"Vậy là thầy thả ra, vui thật! ...
Tớ còn nhớ có lần nào đó, đi tới nhà ai có con sông rồi Khang lanh chanh nhảy xuống một cái ghe tính chèo chơi, ai dè không dễ như mình tưởng, cái ghe xoay vòng vòng, sợ quá, chị chủ nhà phải chạy ra mới xong! tớ chỉ nhớ hôm đó thật vui, có Đường Sở Phân nữa..Mới đây tớ hỏi Cúc xù chuyện này, nó không nhớ, còn Khang thì nói đó là nhà Ngọc Anh!
 Tớ nhớ chị NA này ra vẻ người lớn lắm, không nhảy nhót như bọn tớ hay Hồng Nam, có lần một đám có NA đang ngồi chơi bên bãi biển thì có mấy anh lính đi tới chọc : con gái Bình Định chắc giỏi võ lắm hả!? hình như chị này nói lại gì đó tỏ vẻ khó chịu!! Sau hình như chị nghỉ học sớm đi lấy chồng.
  Thường thì trường chỉ mở cánh cổng phụ nho nhỏ phía trước cho học sinh ra vô,  bên hông phía Ty Y tế có một cảnh cửa nhỏ nhưng ít khi mở, hồi nào thấy nó mở là tớ mừng lắm vì đi về gần hơn. Có dạo cái cửa này mở suốt, tớ nghe có người nói tại vì bà cô Gia hiệu trưởng ra ứng cử hội đồng tỉnh nên nó được mở ra cho học sinh đi (!?) không biết đúng hong nhưng tớ và chị em Bông Bân hay đi cửa đó. Có lần về sớm, có chị trưởng lớp nhà ta và mấy chị nữa cũng đi cùng về ngã này, chắc mấy chị tính ghé chợ, tớ còn nhớ như in, ĐSP nói tớ rằng: "Mỹ, mày ôm cái cặp lên!" tớ không hiểu sao, ôm chi cho nực! thì ra mấy chị này muốn tớ che cái hoa thị đó mà!! chả là mấy chị lớn rồi, không muốn người ta biết mấy chị chỉ có một hoa thị!!hihi...nhớ chuyện này cười mà nghẹn ngào, ĐSP thật hiền! nhiều khi tớ muốn trêu ngươi, không chịu làm theo! còn nói thôi, bữa sau không đi chung với mấy bà đâu!!

  Năm Đệ Ngũ, mấy thầy bị đi học khoá quân sự khoảng 9 tuần nên giờ trống nhiều, cả bọn kéo ra biển chơi.
 có mấy cái kios bán nước có để vài bàn banh tông (banh bàn). Thường chỉ có mấy thằng nhóc chơi, thấy vui vui, bọn tớ thử xem sao. Đổi tiền xu, tiền cắc bỏ vô, có mấy trái banh nhựa nhỏ chạy ra, mỗi lần chơi một trái nhưng mới biết chơi nên nó cứ chạy cái ào xuống lổ! cứ thế, phải bỏ tiền hoài, nóng mặt quá! liếc qua bàn mấy nhóc làm quen, tụi nó thương tình bày cho cái mánh ăn gian: tụi nó lấy một miếng nhôm(?) chèn sao đó mà cứ trái banh chạy vô lổ là chạy thẳng ra ngoài luôn! hihi...khoái quá, tha hồ chơi nha!  đang cao hứng giựt cây qua lại thì anh chàng chủ kios chả nói gì, lẳng lặng tới gỡ ngay cái miếng chèn ra! khỏi nói, quê quá xá quê!! ai đời nữ sinh mà ăn gian bị bắt tại trận hết đường chối cãi!nhưng cũng không đến nỗi độn thổ mà chỉ ..cười trừ cho đỡ quê!! (giờ nghĩ lại anh chàng này lịch sự và hiền chứ gặp người khác la lên thì..có nước giã từ luôn! mà biết đâu nhờ vậy khỏi ghiền!)
 Cứ thế, ngày nào rảnh là ra đó chơi, lúc đầu mới chỉ có mấy đứa, sau tụi nó kéo tới cũng đông, nhưng phần nhiều ngồi chuyện trò chứ không chơi banh như bọn nhóc tụi tớ.
 Chơi hoài mà cũng chẳng khá hơn, trái banh cứ bị vô lổ hoài, thấy tụi nhóc chơi mà ham, đúng là con trai. lúc đó tụi tớ mới khám phá ra thêm một "tiểu chủ " nữa, chàng này là em, cả hai khi ấy lúc nào cũng áo quần tươm tất, chân mang giày đàng hoàng chứ không như tụi nam sinh, chắc học trên mình nhiều lớp hay đi làm rồi, ai dè có một buổi nọ, bộ ba đứa tớ: Tôn nữ thị Tâm, Ninh Hoà và tớ ra sớm, tính học bài rồi chơi sau, khám phá ra anh chàng "em" (tụi tớ đặt tên là Tiểu chủ) chỉ học hơn vài lớp và học trường Nhân Thảo! Nhỏ Tâm bày trò trois zero rủ anh này chơi và nó thường thắng!  Từ đó bọn tớ không phải tốn tiền chơi banh nữa mà anh chàng này cho cả bụm bạc cắc để chơi! Nhưng mà lại bắt đầu chán, anh chàng này nói, con gái chơi chi banh bàn, chơi vũ cầu đi! và hắn ta cho mượn vợt chơi, tụi tớ bắt đầu mê vũ cầu, đi học cũng sách theo vợt, giờ ra chơi chơi trong sân trường, khi nào ra biển mới chơi ngoài đó vì gió nhiều!
Sau đó có lần chị Diệu Xuân (chị của DThu) nói: "tụi bay hay ra biển chơi panhtông nha!" nghe cũng giựt mình hỏi sao chị biết? Thì ra có ông Đại Hàn mướn nhà chị đi ra biển thấy vui, chụp hình  nên chị biết rồi hù chứ có thấy đâu! (Hồi đó đâu muốn bị biết là ham chơi banh)
 
 Sau đó lại đổi mốt, trường mới sắm cái bàn ping pong nên cả bọn (gồm Hoa sinh tử) đi học trong cặp lúc nào cũng có cái vợt, nhưng cũng chỉ đánh qua đánh lại chứ chả ai bày vẻ gì!
 Giờ nghĩ lại cả trường chỉ có cái sân rộng chứ chả có dụng cụ gì để chơi hay thể dục thể thao chi cả!
 Buổi chiều tối, đi học thêm anh văn ở Huệ Quang Tự, quen thêm mấy chị lớp trên là Hoa (Sinh Tử), Giai Ngẫu, Hạnh (Giao Chỉ), mấy chị này cũng thích chơi banh bàn nên mau chóng nhập băng!(Câu chuyện Hoa Sinh Tử xãy ra lúc này)
Học Anh văn ở chùa cũng vui lắm, ông sư dạy rất hay mà chùa lại có cây trứng cá. Mỗi bữa học, cả bọn đi sớm, tới săm soi cây này, khỏi nói có trái nào chín là vặt hết, sau hết trái chín, trái hườm hườm cũng xơi luôn! riết rồi nó ra trái không kịp! có chú tiểu sợ lũ tiểu yêu phá cây bèn hù rằng: ăn trái này nỗi mụn dữ lắm đó!, cả bọn la lên, mụn thì mụn, nhằm nhò gì!!(lớn rồi, không còn chơi năm mười như năm nào ở chùa Long Khánh nữa!) nhưng lại khám phá ra một trò thú vị: chùa LK khá cũ nhưng có một chỗ mới được xây, có lầu, tầng lầu này là nơi để những ảnh thờ người chết, có một hàng hiên rộng lót gạnh bông, trời mưa nước làm sân này thành một chỗ trơn láng sạch sẽ  trượt rất đã! mà nhất là nơi đó không thấy ai coi ngó nên tụi tớ tha hồ chơi, không bị la! chỉ có cái chuông gió kêu lanh canh nhưng có ba đứa nên chả sợ! Mỗi lần muốn tới đó thì tụi tớ mặc áo mưa, có ông sư hỏi thì nói là học trò trường Bồ Đề vô ôn bài! Sau đó khá lâu khi không còn chơi như vậy nữa, nhớ lại tớ thấy sờ sợ! sao lại dám nô đùa trước một đống hình người chết phía trong, chỗ vắng vẻ trời lại mưa âm u!! rất vắng lặng, chỉ có cái chuông gió kêu leng keng..(Ba đứa tớ, Tôn nữ thị Tâm và Ninh Hoà lúc đó hay đi chung và giữ bí mật chỗ này, chỉ để 3 đứa chơi thôi, sợ đông lên là bị cấm chơi!).
 Có lần ba đứa tớ đi về đường Trần Cao Vân, thấy một nhà kia có tiếng xập xình lốc cốc, lao xao..ba đứa ghe đầu vô coi cái gì mà thấy có vẻ là lạ! Thấy có bàn thờ nhang khói và sặc sỡ, có một hai bà ăn mặc như hát tuồng, múa dẻo lắm, có nhiều người ngồi xem, ba đứa cũng chen coi chặp lâu mới bỏ đí, trong đầu thắc mắc không biết chuyện gì? Đám ma thì không phải vì không có hòm, lễ cúng gì thì tại sao lại múa! Tớ nhớ tới những điều đọc trong mấy quyển truyện của Tự lực văn đoàn, chắc là lên Đồng chăng!? chưa đứa nào biết "Lên đồng " ra làm sao cả, bán tín bán nghi, hôm sau ghé coi nữa, cũng như hôm trước nhưng hôm nay  không coi được lâu, có người lớn ra nói: "con nít coi không nên!", biết chắc đó là "Lên đồng" rồi nên bọn tớ cũng chả tò mò chi nữa, vả lại thấy cũng ớn ớn...nên không xem nữa.
 Dạo đó, tớ hay tót lên nhà Tâm chơi, mẹ nó bán hàng ở chợ, anh nó đi dạy, chỉ có 1 bà chị ở nhà nên rất thoải mái. Gần nhà nó có Cẩm Thạch và Ngọc Bích khác lớp.
Có một hôm nó rủ tớ leo núi gần nhà nó, do một anh (hay thầy kèm) quen nó dẫn đi, tớ nhớ có Tôn nữ Hoàng Mai nữa, bạn này to con và trông tướng sang trọng lắm, hình như cũng ở đâu gần đó!
 Leo cũng chả khó gì, nhưng ghê một nỗi là phải tránh ..mìn dọc đường! mìn khắp nơi!
 Leo lên tới nơi là 1 chỗ cao, bằng phẳng , gió thổi mát rượi, bay hết mồ hôi. Ngồi trò chuyện rồi đi xuống chứ chả có gì hơn! Vậy mà cũng thấy hớn hở lắm, tự hào ta đây đã có leo núi!

 Có lần cô Tùng kêu mấy đứa đi Quy Hoà chơi với cô, tớ chỉ còn nhớ hôm đó có thầy Sơn, Bông, Bân, Diệu Thu, Ngâu... đi bằng xe của ông giám đốc Ngân hàng phát triển nông nhiệp bạn cô, (ông này lái xe). Nhưng tới nơi thì không được vào, không biết sao dạo đó trại đóng cửa không cho khách ghé thăm! Thất vọng quá vì tớ nghe nói chỗ đó rất đẹp, lại tò mò muốn biết nơi Hàn mặc Tử đã ở.
 Không vô được thì đi chỗ khác, "bác tài" đề nghị đi chợ Huyện ăn nem, tới nới, chả thấy nem đâu, tớ chỉ nhớ ông GĐ đọc hai câu thơ (quên mất rồi) đại khái là " về thăm chợ Huyện hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.. mà cô Tú không còn...(chị Mừ có biết thì nói nghe)...xui quá, sau đó tớ chỉ còn nhớ về lại nhà cô trong trường..(Bông có đem theo máy chụp hình, sau mình có thấy hình nhưng mờ lắm nên không xin, chắc bây giờ không còn đâu nhỉ!).
 Có lần Hoa nhà ta loan báo: trường mình sắp cho hs đi chơi Cù lao xanh! Nghe khoái quá! ngày nào cũng nôn nao chờ đợi! Cuối cùng là Cù leo cây! Cô Nga suy đi tính lại không cho đi nữa, sợ không kiểm soát nỗi, có chuyện gì thì phụ huynh bắt đền! cả bọn tiu nghỉu, buồn mấy ngày!
 Nhưng rồi mấy năm sau được đi ké lớp thầy Tú (lớp Tạ Tuyết) Tớ chỉ còn nhớ có cô Tùng, thầy Bút, thầy Xứng..Huyền Đan, Bông, nhớ nhất nhỏ Thuận say sóng mửa tơi bời!, nhiều đứa mửa rất khổ sở, riêng tớ và Ái Phương tỉnh queo, ngắm cảnh ..
Cù lao xanh thật đẹp, nước trong veo, trong đến nỗi đâu có định tắm mà đem áo tắm, cứ để nguyên quần áo thế mà nhào xuống nước! Thầy Bút không xuống nước thì phải, tớ nhớ ông này cười tủm tỉm thôi! Chỉ có cô Tùng, Huyền Đan và ít bạn nữa là có áo tắm và bơi xa!



Có chương trình gì đó của Thanh Niên tớ  còn nhớ trường mình cử cô Tùng đi học, có mấy giáo viên ở cao nguyên xuống dự nữa, hình như do Mỹ tài trợ vì tớ thấy có hai người Mỹ dạy, có nhiều giờ dạy ở trường mình, lễ bế mạc khoá này không biết sao tớ có tham gia!? thấy học viên lên lãnh bằng tốt nghiệp, có trưng bày mấy món thủ công nữa, trong đó tớ rất thích con cò làm bằng tre và nhiều thứ làm bằng sọ dừa. Sau đó tớ và mấy đứa nữa hay tới nhà cô để học làm mấy thứ đó. Tớ nhớ làm cái mặt mèo bàng sọ dừa, chọn chỗ có 3 cái lổ làm mắt và miệng mèo, lấy cưa cưa theo hình rồi chà giấy nhám cho tới khi nào cô nói được thì thôi! (cái chuyện chà này mệt lắm, nó làm "nản chí anh hùng" tớ quá! may mà tớ vớ trúng 1 cái cô đã chà dở rồi) xong đâu đó thì lấy sơn bóng sơn lên! Cũng đẹp ra phết! Còn con cò thì chưa có tre và ..tới lúc nghỉ hè nên đã không bao giờ có!
Hình này trong lần cắm trại năm 69 (?)


 Cuối năm Đệ Ngũ, cô Tùng hướng dẫn nói cả lớp ăn liên hoan rồi nghỉ hè.
Trong nhóm mần  đồ ăn có tớ đó nha! (hồi đó chắc thấy tớ "siêng mần " con mèo này nọ..nên cô tưởng tớ siêng!) Tớ và mấy chị lớn như ĐSP, Diệu Thu tới nhà cô sửa soạn món bánh ướt cuốn thịt nướng (còn gì nữa không nhớ) Tớ sắp ra dĩa rồi bưng vô lớp (oai ghê!) Con nhỏ háu đói Hồng Nam chắc thèm chảy nước miếng,  nó láu cá ghê, hồi đó mà nó đã biết "ngoéo tay": nó chạy theo tớ nịnh nhỏ: "Mỹ, mày để đây nè, chỗ này tao xí lát nữa mày và tao ngồi đây, nhớ sắp nhiều hơn nha!"  Tớ thấy mình quan trọng khoái quá, gật liền!! hihi...

Mới thấy những dòng sau đây của Nguyễn thị Hải Hà :
Kể chuyện là một cách ghi lại lịch sử qua cái nhìn của người tham dự cuộc sống. Người Phi châu những khi đau đớn quá độ, không có nước uống, không có thức ăn, chung quanh họ người chết không kịp chôn vì không còn sức để chôn, họ tập họp nhau lại và họ kể chuyện. Những người ngoại cuộc không hiểu ngôn ngữ của họ chỉ nghe âm thanh của họ cứ ngỡ là họ đang hát hay đọc kinh. Kể chuyện là một cách làm vơi đau khổ, một cố gắng để tồn tại, và nhận ra là mình đang sống dù có lúc cái sống còn đau khổ hơn cái chết....

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Thăm Trang Tân

 Ái Ngâu và Khang Bắc kì vù qua xứ cao bồi dự đám cưới của con gái Ngọc Bích
Xong, ba xôi nhồi một chõ, tới thăm Trang Tân và Nguyễn thị Sương.
   TheoNgâu ta tường thuật thì gặp bạn sau bao nhiêu năm, với tình cảnh như vậy thì..các bạn cứ tưởng ra xem...
Khang BK gởi cho 2 tấm hình sau, chụp tại nhà T Tân, còn đến nhà Sương thì..không còn ý định chụp nữa!


  Chị nào muốn biết thêm chi tiết thì hỏi Ngâu và Khang, tớ chỉ biết vậy thôi!!

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Những chuyện khó quên - 1

  Thầy Trần văn Phương
Hình như sau Tết Mậu Thân thì phải (không biết tớ có nhớ đúng không vì không phải đầu niên khoá), đang giờ chơi, tớ và mấy bạn đang ngồi ở chỗ cái ly lớn chỗ mấy bậc thềm (trước lối vào cầu thang và văn phòng) thì thấy một người cao, ốm, nét mặt xương xương, đeo cặp kính trắng rất học thức, tay xách cặp ra dáng rất ..giáo sư đang sải những bước dài vô văn phòng, cả bọn nhìn theo đoán chắc đây là giáo sư mới về! Quả nhiên đúng vậy, đó là thầy Trần văn Phương dạy Anh văn.

  Bọn tớ mừng lắm vì được biết thầy là giáo sư Anh văn..chính cống, không phải bị..bắt cóc dạy Av như mấy thầy khác. Nhưng đến năm sau lớp Đệ ngũ 2 và Đệ ngũ 3 tụi mình mới được học thầy.

Cặp zêrô bất ngờ
Lớp Đệ Ngũ 2 của tụi mình (68-69) tuy không hiền như Ma Soeur nhưng cũng không thuộc loại thứ ba sau ma và quỹ. Trong lớp cũng có nhiều nhóm như nhóm tớ, nhỏ người, nhỏ tuổi thường ngồi phía trên, nhóm mấy chị lớn hơn thường ngồi phía cuối lớp. Bạn bè cũng thường chọc ghẹo nghịch phá nhau chứ ít khi chọc phá thầy cô, trừ thầy Sơn nhưng cũng chỉ đùa nhẹ nhàng thôi, không đến nỗi làm thầy giận !
 Thường thì giờ ra chơi, cả lớp ra sân chơi, nhỏ, hiếu động thì chơi u quạ, nhảy dây, lớn thì ngồi nói chuyện, ai siêng nữa thì ngồi trong lớp học bài! Hôm đó không nhớ có chuyện gì vui mà cả nhóm xúm vào chọc Hồng Phượng, chả là nhỏ này có biệt danh là "Phượng còi" mà!(nó vừa nhỏ vừa ốm). Ái Ngâu viết lên bảng : Phượng còi đạo đức gia+ hỏi.... cả bọn cũng hùa theo la lớn! Nhỏ Phượng cũng cười  rồi chọc qua, chọc lại rất vui và ồn. Sau đó chuông reng vào lớp, ai về chỗ nấy mà không để ý gì tới cái bảng!

 Thầy Phương xách cặp bước vào lớp, xong thầy không ngồi vào ghế như mọi khi mà nói : "Hôm nay nghỉ học", rồi thầy bước vội ra khỏi lớp! Nhiều bạn còn la lên mừng rỡ. Riêng tớ hơi buồn vì rất thích học giờ của thầy nhưng chắc thầy có chuyện bận nên không dạy được. Cả lớp thu xếp ra về thì cô Hiệu trưởng (lúc đó là cô Nga) xuống, cô nói gì tớ không còn nhớ chính xác nhưng đại khái cô hỏi ai viết nhăng nhít gì trên bảng. Lúc này tớ mới giật mình, thôi chết rồi Ngâu ơi! Đúng là tình ngay lý gian, thầy Phương thấy chữ Phượng còi ..nhưng tưởng là Phương..nên thầy giận chứ không phải bận việc gì! Tai hại thiệt! hèn chi mặt thầy rất nghiêm chứ không vui vẻ như mọi khi!  Ngâu ta đứng dậy trình bày sự tình như thế, cô lại hỏi hôm nay ai trực vệ sinh? hình như Thanh Phượng đứng lên, không biết cô HT nghĩ gì nhưng cô tặng cho Ngâu và TP mỗi đứa một con zero hạnh kiểm về cái tội viết nhảm và không chùi bảng!!  Cả lớp tiu nghỉu đi về sớm. Riêng tớ, rất sợ vì chuyện này thật nghiêm trọng, thầy hiểu lầm vì thấy bị xúc phạm nặng nề! kiểu này chắc thầy sẽ không dạy lớp mình nữa chứ chẳng chơi!
 Sau đó tớ chỉ nhớ hình như mẹ Ái Ngâu và ai đó bày kế là hãy  xin lỗi thầy. Hồng Phượng cũng chỉ nhớ hôm đó có Phượng, Ái Ngâu và Trang Tân (?) thì phải (không có con thỏ dế là tớ!). Lúc đó thầy còn ở trọ chung với thầy Tú vì vợ thầy chưa vào được. Cả bọn cũng nhờ thầy Tú giúp. Dĩ nhiên là  kết quả tốt đẹp! cả bọn hí hửng về khoe là đã giải được mối oan! (và dĩ nhiên là xóa được cặp zero!)
 Mới đây mình hỏi nhỏ còi hôm đó ra sao, nó nói lúc đó thầy Phương nghiêm lắm (chắc thầy giận và buồn lắm!), Phượng ta nói:" Phượng Còi là em đây thầy ạ! tụi nó chọc em vì em chậm lớn chứ đâu dám nói thầy!" Nhưng thì ra thầy lại hiểu chữ CÒI là COY trong tiếng Anh mới ác chứ!! Hồi đó tụi mình Anh văn mất căn bản, đứa nào đứa nấy dở ẹc, làm gì biết xách mé vậy chứ!!
 Mới đây Phượng ta kể lại bằng tiếng Anh nè bà con:
" And now, I'm telling you about my memory in high- school. That time, my class- mates always laughed at me and called me "phượng còi" because while all friends grew up, I was still a litte girl ! One morning, in the early English period, one of friends wrote on the black- board "PHUONG COI DAO DUC GIA" . when our English Teacher entered the class, he saw it. And to our  English Teacher :
- "PHUONG" That's his name
- "COI" Vietnamese - suddenly became COY in English: He is  not a talkative man !
So, our English Teacher was very angry with us. He left the room immediately ! Everybody  was afraid... except me !
 Nghe có được hông bà con? nó nói là nó hổng sợ đó!
 Đúng quá mà, chắc còi ta nghĩ thầm "cho tụi bay chừa nhá!" Phải hông hả Phượng còi?  hehe...
 Giờ Anh văn tuần sau, thầy vào lớp rất vui vẻ. Sau "sự kiện" đó, bọn mình và thầy trở nên thân thiết hơn,
 bọn mình, như để bù lại "tội lỗi ", đã ra sức cố gắng học môn này và thầy đã rất hài lòng vì điều đó!
 Năm sau, lên lớp Đệ Tứ 2, thầy làm giáo sư hướng dẫn, bọn tớ bắt chước lớp Phạm Hoa, gọi thầy là Ba Phương. Tớ còn nhớ rõ thầy bày mua Tự Điển thì nhớ tác giả Nguyễn văn Khôn, Thành ngữ thì của ai v.v..Thầy còn nói sách (AV) nào hay dở gì thầy cũng xem vì thầy quan niệm ít nhất trong đó cũng có điều hay và học sinh nào copy hay hỏi gì thầy sẽ biết .. Những cuốn sách thầy nói thường không có bán ở QN. Ba Ngâu thường ra vô SG buôn bán nên mới mua được! và Ngâu ta hãnh diện để cuốn sách lên bàn cho thầy thấy! Đương nhiên là thầy vui lắm và nói đại khái khi mình thích học thì sẽ có kết quả tốt!
 Thầy Phương chú trọng cách phát âm, thầy dạy cách phát âm kiểu Ăng Lê chính hiệu, thầy nói chúng tôi phát âm sai nhiều lắm, mỗi lần thầy bảo đứa nào đọc thì y như rằng tớ thấy thầy lắc đầu rồi nói nho nhỏ (không nhỏ lắm!): hắn đọc như Phi luật Tân, Đại hàn vậy!!.hihi...
 
 Có lần Lưu Ly rủ tớ ở lại học lớp Anh văn Hội Việt Mỹ ngay trong trường mình, tớ không thích lắm vì thấy họ dạy đàm thoại nhiều chứ không dạy như kiểu mình học ở lớp! (ngốc gì đâu!) Dạo đó thầy Phương cũng có dạy thêm ở đây, tớ thấy nhiều  giáo viên người Mỹ xúm quanh thầy trò chuyện, chắc họ rất thích sự hóm hỉnh và uyên bác của thầy!
 Cuối năm đó ( đã đổi là lớp9/2) Thầy Phương cho biết niên khoá tới thầy đổi về Huế! Khỏi nói cả bọn buồn lắm, Thầy cũng buồn buồn, chúng tôi rủ thầy đi ghềnh ráng (?) chơi rồi chia tay. Tuy được học Anh văn với thầy có 2 niên khoá nhưng thầy đã tạo cho chúng tôi sự yêu thích môn này chứ không còn sợ hay chán nữa! Năm tới vô lớp 10, chúng tôi sẽ phải có quyết định sẽ theo học ban nào, đây là một quyết định quan trọng nên nhiều khi phải phân vân. Hỏi thầy, thầy khuyên nên đi ban C vì theo thầy thì " là đàn bà  con gái sau này ít ra các em cũng có thể đọc được tờ báo tiếng Anh! chứ những công thức toán hay gì gì nữa cũng không thiết thực trong cuộc sống!" (chắc ý thầy muốn nói sau này ở nhà giữ con, nấu bếp chăng!?)
 Sau đó tớ nghe nói thầy về dạy trường Quốc học Huế, rồi Đại học Sư Phạm Huế. Lúc chị Thuỳ ra Huế học có gặp lại thầy, chị nói thầy siêng ghê, có đi học thêm môn gì đó (Nhân văn?) ở Văn Khoa. Sự nghiệp của thầy thăng tiến nhanh. ( Tớ nghĩ Trường Nữ chúng ta là cái áo chật đối với thầy, về Huế thầy mới có môi trường thích hợp!)
 Sau 75, thầy vẫn dạy ở Đại học Huế và có lần thầy vô SG dự khoá gì đó, gặp Ngâu đang học Cao Đẳng SP, Ngâu chở thầy về nhà nó xong qua nhà tớ, thầy trò gặp lại mừng quá, nhưng tình cảnh lúc đó chả có gì vui, tớ làm tổ may, gặp thầy cũng mắc cỡ quá, bao nhiêu năm đèn sách..rốt cuộc như vậy làm sao thầy vui! Thầy có cho biết thầy Tú lúc đó khổ lắm, cứ như Trần Tế Xương vậy! Rồi như tự an ủi, thầy nói vui "mình ở lại đây cũng hay là biết được hai chế độ chứ những người đi khỏi làm sao biết được!"
Phạm Hoa có kể sau này Thầy có vào QN dạy khoá  Anh văn cho Đại học QN! Thầy còn chọc nó: "chữ mi vẫn xấu như thường!"


 Bây giờ, đã hơn 40 năm, nhiều thứ đã trả lại cho thầy cô hay rơi rớt hết dọc đường đời, có chăng tớ còn nhớ được mấy chữ Anh văn và nhất là câu đố của thầy năm nào: Chữ nào dài nhất tiếng Anh, câu đố này khi ấy không bạn nào đáp trúng và tớ đã mang nó ra đố tụi nhóc tì suốt mấy chục năm nay, lần nào cũng ..thành công! Mà này, đừng có nói ra nhé, để tớ còn "mần ăn" nha!! hehe...