Vừa lọt lòng đã ré vang lên đòi sữa, tối ngày bú xong ngủ, thức dậy đòi bú tiếp...
Càng lớn càng ăn nhiều, ăn mọi lúc mọi nơi. Vậy mà còn giả bộ nói miếng ăn là miếng tồi tàn! Hổng dám đâu!
Mọi nỗ lực đều nhằm đến chữ ĂN, Mọi rắc rối vui buồn đều do ăn mà ra!
Ăn ít thì đói, sinh ra quạu, suy dinh dưỡng
Ăn nhiều, no cành hông, cũng sinh bịnh!
Khi buồn, mệt quá không muốn ăn nhưng cũng phải ăn, bị ăn. Vui quá thì muốn ăn cho nhiều, cho sang...
Thay vì người ta nói Mừng Giáng sinh, mừng năm mới, dự hôn lễ... thì Tiếng Việt rất thực tế khi chữ Ăn dính liền với nhiều sự việc: Ăn Tết, ăn đám cưới, ăn cỗ, ăn khao...
Nghèo quá, không kiếm ra gì ăn thì ăn mày, ăn xin, tệ hơn là ăn trộm, ăn cướp..
Muốn dựa hơi ai thì ăn theo, may mắn thì cho là ăn may.
ĂN còn đi theo nhiều chuyện khác là Ăn mặc, ăn diện...đến chụp ảnh mà cũng Ăn ảnh. Hợp ý nhau thì nói là Ăn ý...
(còn tiếp, đi nấu cơm để ăn cái đã..)
Tiếp đây.
Chữ ăn khi ghép với 1 chữ khác sẽ làm tôn cái nghĩa chữ sau lên. ví dụ thay vì nói gian dối thì ăn gian nghe ấn tượng hơn
Cũng vậy, ăn vạ, ăn học, ăn mòn, ăn ở, ăn chặn, ăn thua đủ, ăn chia, ăn chơi, ăn bạc, ăn nắng, ăn hối lộ, ăn bám, ăn báo cô, ăn bẩn, ăn vụng, ăn chực, ăn đòn, ăn chịu, ăn đứt, ăn hại, ăn hiếp, ăn hoa hồng, ăn ké, ăn khách, ăn khan, ăn khớp, ăn năn, ăn nhằm, ăn quỵt, ăn sương, ăn tạp, ăn tiêu, ăn trả bữa, ăn vã......thì nghĩa chính là ở mấy chữ sau, chữ ăn làm tăng thêm ý nghĩa và nghe nôm na hơn.
Có khi kết hợp lại ra một nghĩa ý nhị khác như trong chữ ăn nằm, ăn ngủ...
Có rất nhiều câu ca dao tục ngữ có chữ ĂN rất ý nghĩa:
Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường xa Ăn bát mẻ nằm chiếu manh
Ăn bớt bát nói bớt lời Ăn bữa hôm lo bữa mai
Ăn bằng nói chắc Ăn bóng nói gió Ăn bớt ăn xén
Ăn bơ làm biếng Ăn bờ ở bụi.
Ăn cả tiêu rộng Ăn cá bỏ lờ Ăn cá bỏ xương
Ăn canh cả cặn Ăn cay nuốt đắng Ăn cần ở kiệm
Ăn cận nằm kề Ăn cây nào rào cây nấy
Ăn cây táo rào cây sung Ăn cháo lá đa
Ăn cháo đá bát
Ăn chung máng ở chung chuồng Ăn chực nằm chờ
Ăn chưa no lo chưa tới Ăn chung mủng riêng Ăn chùng nói vụng
Ăn chưa sạch bạch chưa thông Ăn chực đòi bánh chưng Ăn có mời, làm có khiến Ăn cỗ nắm phần Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau Ăn coi nồi ngồi coi hướng
Ăn có nhai nói có nghĩ Ăn có nơi chơi có chốn
Ăn cơm chúa múa tối ngày Ăn cơm mới nói chuyện cũ
Ăn cơm không biết trở đầu đủa Ăn cơm nhà vác ngà voi
Ăn cơm lừa thóc Ăn cóc bỏ gan
Ăn cướp cơm chim Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng
Ăn cứt không biết thúi Ăn dối làm thật Ăn dưng ngồi rồi
Ăn đàng sóng nói đàng gió Ăn đất nằm sương Ăn đấu làm khoán
Ăn đậu ở nhờ Ăn đều tiêu sòng Ăn đói mặc rách
Ăn đói nhịn khát Ăn đong ở đợ Ăn đợi nằm chờ
Ăn đời ở kiếp Ăn đơm nói đặt Ăn đút ăn lót
Ăn được nói nên Ăn gan uống máu
Ăn già nói non Ăn gian nói dối
Ăn giập miếng trầu Ăn gió nằm mưa
Ăn gửi nằm nhờ
Ăn hại đái nát Ăn hiền ở lành
Ăn hoang mặc hại Ăn hơn nói kém Ăn hương nói hoa
Ăn khoẻ như thần trùng Ăn không lo, của kho cũng hết
Ăn không ngồi rồi Ăn không nên đọi, nói không nên
Ăn không nói có Ăn không ngon, ngủ không yên
Ăn kĩ làm dối Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa
Ăn lấy ăn để Ăn liều tiêu càn Ăn lông ở lỗ
Ăn mày cầm tinh bị gậy Ăn mày cướp xôi Ăn mày quen ngõ
Ăn măng nói mọc ăn cò nói bay
Ăn mày đòi xôi gấc
Ăn mắm mút dòi Ăn mật trả gừng
Ăn miếng chả trả miếng bùi Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối
Ăn miếng trả miếng Ăn mít bỏ xơ Ăn nên làm ra
Ăn một mâm nằm một chiếu Ăn mặn khát nước Ăn ngay nói thẳng
Ăn ngon mặt đẹp Ăn ngon mặc đẹp Ăn ngon ngủ kỹ
Ăn no vác nặng Ăn no ngủ kỹ Ăn ngược nói ngạo
Ăn nhịn để dành Ăn nhờ ở đậu Ăn như gió cuốn
Ăn như chèo thuyền Ăn như mỏ khoét Ăn như tằm ăn rỗi
Ăn như rồng cuộn, nói như rồng leo làm như mèo mửa
Ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội nước
Ăn no béo mỡ Ăn no rững mỡ Ăn no ngủ kỹ
Ăn no ngủ yên Ăn ốc nói mò Ăn ở hai lòng
Ăn ở như bát nước đầy Ăn phải bùa phải bả Ăn quẩn cối xay
Ăn quen bén mùi Ăn ốc nói mò Ăn ra làm có
Ăn rau hoá rào Ăn sẵn nằm ngửa Ăn sấm nói gió
Ăn sâu bám chắc Ăn se sẻ đẻ voi Ăn sóng nói gió
Ăn sống nuốt tươi Ăn sung ngồi gốc sung Ăn sung trả ngái
Ăn sương nằm đất Ăn tại phủ ngủ tại công đường
Ăn tàn phá hại Ăn thật làm giả Ăn thùng bất chi thình
Ăn thủng nồi trôi rế Ăn thừa bỏ mứa Ăn thừa nói thiếu
Ăn thưởng ăn phạt Ăn tiền như rái Ăn to nói lớn
Ăn to đánh lớn Ăn to xài lớn Ăn trắng mặc trơn
Ăn trên ngồi trốc Ăn tro mò trấu Ăn tục nói phét
Ăn tươi nuốt sống Ăn từ đầu dần đến cuối dậu
Ăn tuyết nằm sương Ăn vàng ăn bạc Ăn vung bỏ vãi
Ăn vụng khéo chùi mép Ăn vụng không biết chùi mép
Ăn vụng như chớp Ăn xó mó niêu Ăn xổi ở thì
Ăn xôi chùa nghe kèn Ăn xưa chừa nay
Ghen ăn tức ở Miệng ăn núi lở
( Còn nhiều nữa mà chưa nhớ ra, ai biết thì bổ sung)
Đó, như vậy thì người ta (hay muôn loài) sinh ra để ăn chứ còn gì nữa! hehehe... nhiều khi phải nói văn hoa Ăn để sống chứ không phải sống để ăn! nghe xạo ghê luôn.
Chỉ có điều ăn sao, ăn thế nào đối với mỗi người mới là chuyện ...rắc rối!!!
Chết thì hết ăn tuy rằng con cháu bày đặt cúng kiến thức ăn ê hề...(Thực ra tụi nó ăn chứ cô hồn nào ăn!)
Cười chút chơi nha bà con.. lễ lạc tới nơi, nhớ ăn ít thôi nha, để tui ăn giùm cho!
Ngủ như là chết tạm thời, thức dậy, ăn tiếp đây
Ăn tiếng Hán là THỰC có nhiều chữ ghép với chữ thực thành ra nhiều nghĩa như Thực phẩm, thực khách, thực quản, lương thực, nguyệt thực, nhật thực, du thủ du thực, bội thực, dĩ thực vi tiên,Tham thực cực thân...
Rất nhiều, tớ khỏi đem ra đây chi cho chật chỗ. (còn thực trong thực tế, thực lòng, hư thực, xác thực... là nghĩa thật, thiệt.., không phải ăn!)
Thôi, lại đi nấu ăn đây, chắc không còn gì để nói chuyện ăn nữa . .
Mới thấy bài này, cũng ăn nè bà con, đọc đã luôn: Click here ĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét