Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Một bài tháng ba

 Tản mạn ... tháng 3  (Phan)

... trời hôm nay không nắng cũng không mưa/ chỉ ươn ướt ghế cho vừa đứng lên. Hình như sai lộn rồi thì phải? Cụ Lưu vặn cổ đứa nào đọc bậy thơ tao bây giờ! Y hình là trời hôm nay không nắng cũng không mưa/ chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhau. Mà cũng không nhớ chính xác là có phải thơ của cụ Lưu không nữa?! Thơ cụ Lưu phải là con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô, chứ thơ gì mà trời hôm nay không nắng cũng không mưa thì hơi kỳ thiệt đó! Thơ thần sầu qủy khóc cỡ đó thì tôi cũng có tài chớ bộ! Thơ có chữ “mưa” thì đây đã thành danh từ thuở mài đũng quần. Mùa mưa lần trước nhiều nước hơn mùa mưa lần này/ mùa mưa lần này ít nước hơn mùa mưa lần trước/ người yêu lần trước tha thướt hơn người yêu lần này/ người yêu lần này bầy hầy hơn người yêu lần trước… Tôi cười mình tôi, kệ tôi! Chắc tại không gian nên thơ nên tôi vớ vẩn vậy thôi! Rõ ràng chiều thứ bảy, tôi thơ thẩn ngoài hành lang của khu thương mại này. Nhìn sang hàng sồi già bên Bưu điện trắng toát bông hoa mà gột rửa bớt tâm hồn xám xịt-quanh năm mùa đông của người tỵ nạn. Mỗi năm tôi được nhìn hàng sồi trắng muốt một lần để bấm đốt tay xem mình đã sang đây bao nhiêu năm? Khi mười ngón tay không còn đủ đếm biền biệt quê nhà mà sao vẫn chưa quên được chút gì-tưởng rằng đã quên! Tôi bâng khuâng. Niềm thương nỗi nhớ dâng tràn từ những bình thường ngay trong đời sống: một thoáng thấy; một thoáng nghe; một thoáng hương chẳng hạn… câu hát nghêu ngao của người lau kính building; mùi bồ kết trên tóc bà chủ tiệm nail đủng đỉnh ra thùng thơ lấy bill; cánh áo ai chiều vàng không bằng bông mai trên ngực… thường làm tôi thắc thỏm quê nhà trong nỗi nhớ mênh mông…

Cũng hàng cây này, tôi ngẩn ngơ nhìn áo trắng bay như thơ Huy Cận “Một hôm ngọn gió tình yêu lại / đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”. Trong cái đời cơm gạo khốn khó nơi này, bất chợt thoáng qua một hình ảnh kỷ niệm cũng làm thư giãn được phần nào căng thẳng, âu lo. Mới từ thứ bảy qua thứ hai, hàng cây đã xanh màu lá mới, gió xuân mát rượi, thổi hoa sồi bay như bông tuyết hôm tàn đông lạnh lùng. Xuân hứng miên man, 6/8 trong đầu tôi bật ra... cây sồi mở lá xanh cây/ gió lên hắt nắng xuân đầy trời hoa/ hoa sồi trong ngọc trắng ngà/ nhớ người con gái trắng tà áo bay. Đúng là độ này năm trước, tôi cũng ra đứng thơ thẩn ngoài này xem hoa sồi trắng lối. Có cô bé học trò tóc đen và dài kiểu Việt Nam, mặc áo dài trắng đứng dưới hàng sồi, đợi ai ai biết! Ba mươi năm trước, tôi còn có hứng biết để thả sang nịnh hót đôi lời. Nhưng ba mươi năm sau thì đâu còn rảnh, mà có rảnh thì cũng biết làm chi nữa khi gánh đã nặng vai; khi cơm gạo áo tiền hành tôi đã như cái giẻ rách. Được chút rảnh rang thì thư giãn tâm hồn với cỏ cây cho ra thú vật, làm người mãi chán bỏ xừ. Con sóc hồn nhiên như lá hoa xuân chứ có đâu như con người lúc nào cũng lo âu sầu muộn. Ước gì người ta được sinh ra để làm thơ, ước gì đời sống đừng bỏ dấu nặng vô thơ thành “thợ...” để tất cả đi cày! Mười hai con giáp sang đây chỉ còn có một - ai cũng tuổi con trâu. Trâu ơi, ta bảo trâu này/ đừng ra hải ngoại trâu cày... thua ta. Bỗng nhớ hôm lạnh lùng sương rơi heo may, ông bạn xứ lạnh tình nồng (ĐN) thả vô hộp thơ tôi câu thơ chí thiện: “nhìn ra khung cửa gió sương/ kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm”. Câu thơ kỳ tài làm tắt ngủm thơ tôi. Không biết mấy nhà phê bình văn học căn cứ vô cái chi chi để bình? Tôi, học hành ba chữ lem nhem nên đọc câu thơ nào lên mà nghe lịm cả tâm hồn thì tôi nói thơ hay! Còn thơ éo óc như mưa trong thơ tôi thì đọc cho qua giờ cúp-cua mà không có tiền đi quán.“Đời bây giờ có quá nhiều người làm thơ nhưng lại có quá ít nhà thơ - Tầm Xuân”. Bạn tôi nói vậy đó! Ai thắc mắc xin gọi 1-800-TAMXUAN. Thôi, nhiêu đó thơ đủ rồi! Tôi đang nhớ người con gái trắng tà áo bay.

Tưởng ai xa lạ, mặc áo dài thướt tha đến động đậy niềm nhớ không tên. Thì ra con bé học trò ốm tong, lêu khêu như thằng chăn cừu trên núi Trung Đông. Cha nó người Parkistan, mẹ người Việt nên nó thế! Nó lái cái xe truck cũ mèm, bé tẹo, thế mà nhồi nhét trong đó được bốn đứa. Nó lái, bên cạnh là con nhỏ Mễ bề thế lắm lắm! Hai cái ghế phụ đằng sau là con nhỏ Ấn Độ như que củi khô, con nhỏ Mỹ trắng người Texas 100% nên cũng nhỏ như con thỏ ở tiểu bang này.

Tuổi học trò ngô nghê của chúng thường làm tôi nhớ da diết những mệnh phụ phu nhân bây giờ trên khắp hành tinh-nhưng là bạn tôi ngày trước. Những Thủy Tiên, Thu Hằng, Mộng Tuyết, Thanh Thúy, Ngọc Diệu, Hồng Thước... con nhỏ trời gầm không bỏ tôi ra (nó đánh tôi chứ không phải yêu thương gì đâu!) Con Ngọc Thiện bên Toronto đó mà. Nghe đồn là bây giờ nó đẹp lão lắm! Hiền như Quan Âm. Tôi để hình nó trong My Pictures để khi kẹt chữ thì lạng qua hình cứu bồ. Nhìn nó cười, mắt tôi hoa hết chữ! Còn mấy thằng đực hiếm hoi, thuở làm học trò không sách vở cầm tay/ có tâm sự đi nói cùng cây cỏ thế mà được các cô bạn nhỏ cưng như cưng trứng thì Thành Phát còn ở Việt Nam làm ca trù! Nó hát “trù” cho sập tiệm không biết bao nhiêu Đoàn văn công rồi cũng không biết nữa! Vũ Phái sang Mỹ thì giỏi kinh doanh, nhưng dở không chừa chỗ ký tên về việc...Ai đời đi lấy tên Mỹ, lại chọn tên “Phillip”. Ai hỏi bạn tên gì? Đi trả lời uổng công: “Tôi tên Phillip Vu”. Tôi mà có cái Họ thuận lợi (VU) như nó thì dứt khoát tôi lấy tên Mỹ là “Bob”.

Thế đấy, thấy học trò thì nhớ thuở học trò của mình. Nhưng đám trẻ bây giờ không đói ăn, thiếu mặc như chúng tôi - sau ngày giải phóng! “Từ giải phóng vô đây...ta ăn độn dài dài. Từ giải phóng vô đây... ta ăn độn mì khoai.” Chúng đến với tương lai cũng khác. Bốn đứa con gái mà mỗi lần chúng đến tiệm tôi thì mua chẳng bao nhiêu nhưng làm ồn thì hơn ai hết! Chúng bàn cãi líu lo như chúng tôi ngày xưa đứng trước hàng quà vặt, thì giống. Nhưng chúng ghi nợ nhau khi đứa này cho đứa kia mượn một đồng, chứ không như những cô bạn giàu lòng bố thí của tôi là cho nhau ăn...ké! “Ăn luận” mà tôi viết bằng tâm huyết đã lâu thì đi đến triết lý... Uống rượu, chỉ có ăn gian là không say. Hết tiền, chỉ có ăn ké là không chết. Vì ăn ké là người cho ké đã ăn trước rồi. (Không biết có bị nước miếng người ăn trước làm cho nhớ nhau tới già?! Sao tôi ưa nhớ bạn bè).

Nói chuyện mấy con nhỏ đến tiệm tôi nghe chơi. Hôm có đủ tiền thì bốn đứa mua bốn hộp cơm chiên với thịt gà là rẻ nhất nước Mỹ, mà chới với túi tiền học trò rồi. Mỗi đứa mua lon Coke. Sau đó, leo lên thùng xe truck ngồi ăn, cười, nói, giỡn... y như chính tôi, chúng tôi ngày nào... Thương quá đi thôi! Gặp hôm mậu lúi thì bàn tán xôn xao. Cuối cùng lần nào cũng là con nhỏ chăn cừu ở Trung Đông. Nó biết nói tiếng Việt nên không thèm nói tiếng Anh với người Tàu, Mỹ, Mễ... (trong tiệm tôi cũng như trụ sở Liên Hiệp Quốc vậy! Nhiều quốc tịch lắm). Nó chọn người Việt để dễ deal. “Chú ơi! Bán cho con hai cái Chicken fried rice. Cho nhiều cơm nha chú. Một cái cay, một cái không. Cho thêm hai cái muổng”. Tưởng gì! Chiêu này thì chú đây sư phụ.

Bốn đứa cắt hai hộp lunch thành bốn, ngồi ăn từ tốn vì sợ hết. Không nghe nói, cười rôm rả như những hôm có tiền. Bao giờ con nhỏ Mễ với con Ấn Độ cũng trở vô xin ớt, làm như ăn cay thì no hơn! Con nhỏ Mỹ ngoan nhất là có sao ăn vậy. Con chăn cừu nửa máu Việt Nam nên nó rắc rối như dân tộc mình! Cái mặt nó vừa sáng vừa xinh như thiên thần. Nhưng biểu hiện khẩn trương trên mặt nó thì thánh cũng phải cười. Nó nhăn nhó một cách nghiêm nghị, chìa nửa hộp cơm của nó vô mặt mình: “Chú ơi! Sao hôm nay ít thịt quá vậy chú?” Con bà nó. Trứng mà đòi khôn hơn rận. “Mày múc cơm đổ vô thùng rác hết đi. Cái hộp của mày còn thịt không hà!” Nó cười nhăn răng… “Cho con xin mấy bịch soy sauce (nước tương) đi chú”. Làm như ăn mặn thì no hơn không bằng! “Con có biết bên Việt Nam mình có câu: Ăn mặn đái khai, học lớp 2 khai lớp 9 để đi Trường Đảng Nguyện Ái Quốc, tu học lý luận Mác-Lênin, về làm cướp cạn, không con? Đừng ăn mặn đái khai như trí tuệ đỉnh cao ở quê nhà! Thôi, chú cho hộp này ăn thêm…” Bao giờ sau bếp nhà hàng chẳng có những hộp thức ăn nấu sai order, phải bỏ. Nhiều khi tôm thịt ê hề, scallops... là những thứ không có trong Menu học trò. Nó sáng mắt tự nhiên trong tuổi thiên thần càng sáng thêm với hộp cho thêm. Hai hộp cơm chiên chia làm bốn của tụi nó mới có $6.40, trong khi hộp seafood chừng $10-$15, nó không sáng sao được. Chia nhau ăn xong, ngồi ngó trời mây non nước. Ai đem ra cho chúng bốn lon soda thì người đó anh hùng dân tộc vì không tính tiền. Cứ nhìn bọn nhỏ mà nhớ bạn bè, nhớ mình thuở ngô nghê da diết như muốn về quê để làm lại từ đầu.

Rồi cuộc vui nào cũng tàn. Nhưng trước khi tàn phải liên hoan cái đã! Thình lình một hôm, con chăn cừu mời mấy chú đi ủng hộ con đi! Hỏi nó, ủng hộ cái gì? “Con đi thi hoa hậu... áo dài” Trời mẹ ơi! Cây sậy hôm nào làm hú vía mấy chú! Nó đi thi hoa hậu sơ tuyển, trở về tiệm cơm chiên với cái áo dài đẹp chưa từng thấy! Nhưng nó cột túm ống quần để dễ đạp ga, đạp thắng. Nó mang tennis shoe, đôi giày cao gót lủng lẳng trên cổ nó! Con bé xinh xắn hôm nào trong chiếc áo dài thướt tha... nó bị buộc xả ống quần ra, đừng cột túm như thế xấu lắm! Mang giày cao gót vô đi con. Rồi. Đẹp lắm! Coi như đây là sàn catwalk, đi mấy vòng coi coi... Chú cho bốn hộp cơm chiên, không tính tiền bây đâu! Nó đi không đẹp không ăn tiền!

Chú Tàu ngồi ló mắt ếch. Chinh phục con bé thì quá dễ! (Nó đẹp quá mà. Di truyền chiều cao( chăn cừu phải cao thì mới thấy hết đàn cừu ở Trung đông). Nó lại có đôi mắt người Trung đông buồn cố hỷ cố lai từ đời Mohamat. Da nó vàng lợt hơn người Việt nhưng chút nắng Texas làm mê mẩn người nhìn. Cái uyển chuyển phương Đông mới làm nên hoa hậu. Con bé tuyệt vời. Chú Tàu ngồi ló mắt ếch. Chinh phục con bé thì quá dễ! Nhưng qua mặt con gấu mẹ vĩ đại ở nhà thì không dễ chút nào! Chú Tàu buồn mình ên. Mấy chú Việt Nam thì chơi xả láng! “Nhớ cho mấy chú hay, chừng nào mày đi thi chung kết thì mấy chú đem theo cơm chiên cho mày!”

Cả đám mấy chú Việt Nam vui như ngày hội, khi thấy Báo Trẻ ở Dallas đăng tin con nhỏ chăn cừu đoạt giải hoa hậu áo dài Dallas. Nó lên ảnh mới biết nó đẹp hơn tiên.

Nó để lại gia đình, bạn bè, mấy chú đồng hương… tuổi thần tiên đó, nơi này! Nó đi làm người mẫu bên Cali. Hôm nó về thăm nhà, ghé mua cơm chiên. Hương đồng gió nội bay đi mất bà. Nguyễn Bính viết là: “Hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” không lột tả  tàn phá của kinh đô. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Xuân Diệu cho đọc từ hồi còn nhỏ mà tới già tôi mới hiểu câu thơ Xuân Diệu.

Ngày ngày, con nhỏ Mễ ghé mua hộp cơm chiên rồi đi làm ở chợ Kohl’s. Hôm tôi đến chợ Kohl’s buổi trưa, thấy nó nhá cơm chiên một mình ở chỗ Cusumer Service. Tôi hỏi nó: “Mày ăn cơm chiên, có nhớ bạn bè không?” Nó khóc. “... Con Mỹ với con Ấn độ đi Đại học, Con Parkistan giàu có quên bạn rồi. Nó không đi Đại học vì nhà nghèo...” Tôi vỗ vai nó, “Mày là tao của ba mươi năm trước.”

Con chăn cừu thỉnh thoảng về nhà, ghé mua cơm chiên. Người thiếu nữ lắm tiền nhiều bạc. “Cháu ơi! Sức quyến rũ bây giờ! Chú không chịu nổi. Nhưng chú chỉ yêu cái hồn nhiên hôm nào! Chú không nói ra đâu! Vì người ta sẽ nói chú là đạo đức...giả. Chú viết đây cho mình, thế thôi! Nhớ người con gái trắng tà áo bay. Khi cây sồi trắng bông thay lá”.

Tôi còn bạn bè sau ba mươi năm vật đổi sao dời vì chúng tôi ăn chung quà vặt. Con trai thường ăn ké con gái vì tiền người ta làm ra cho con gái. Nhưng con gái quê tôi không tính nợ nhau nên nợ nhau đời này. Không như đám trẻ bây giờ! Hết lớp 12 là quên nhau. Các bạn ta ơi! Hoa sồi nơi tôi ở đang bay trắng trời như nỗi nhớ thương trong tôi về các bạn.

PHAN
Bạn nào muốn đọc thêm thì vào trang vantuyen.net
 (Trời không nắng cũng không mưa
chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung)
Hai câu thơ trên của Hồ Dzếnh

1 nhận xét:

  1. Mình đem bài này về để các bạn xem thêm vì biết các bạn mịnh không rảnh để tìm kiếm bài hay!
    Mong rằng tác giả thông cảm.

    Trả lờiXóa